Nhiều chuyên gia tỏ ra "lạc quan thận trọng", thậm chí đặt câu hỏi trước tuyên bố ngừng thử hạt nhân và tên lửa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Ngày 21-4, truyền thông Triều Tiên đưa tin, Bình Nhưỡng vừa công bố một chiến lược mới cho đất nước, trong đó tạm đóng băng các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, để theo đuổi tăng trưởng kinh tế và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Động thái này còn nhằm dọn đường cho cuộc gặp được lên kế hoạch giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố đóng băng các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Ảnh: Newsky. |
Đây là lần thứ hai trong vòng 2 ngày qua, Triều Tiên thể hiện những tín hiệu nhượng bộ đáng kể so với các tuyên bố cứng rắn trước đây của nước này. Tuyên bố của Triều Tiên đã nhận được những phản hồi tích cực từ Mỹ và Hàn Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump lập tức hoan nghênh động thái của Triều Tiên và mong chờ cuộc gặp với ông Kim Jong-un. Trên trang mạng Twitter, ông Donald Trump viết: "Triều Tiên đã đồng ý đình chỉ tất cả thử nghiệm hạt nhân và đóng cửa một bãi thử quan trọng. Đây là tin tức rất tốt cho Triều Tiên và thế giới, một bước tiến lớn! Mong chờ hội nghị thượng đỉnh của chúng tôi".
Còn Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho rằng, quyết định của Triều Tiên là "một bước tiến có ý nghĩa" đối với việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, góp phần tạo ra môi trường rất tích cực cho sự thành công của 2 hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên - Hàn Quốc và Triều Tiên - Mỹ sắp tới”.
Tuyên bố gây tranh cãi
Trong nhiều thập niên qua, Triều Tiên luôn khẳng định phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa là chiến lược sống còn của nước này, không chỉ phục vụ cho mục đích phòng vệ mọi mối đe dọa từ bên ngoài, mà còn trở thành lá bài mặc cả trong mọi cuộc thương lượng với Mỹ và Hàn Quốc.
Hơn nữa, Triều Tiên cũng thường xuyên chỉ trích sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc, liên tục lên án các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn, thậm chí phóng tên lửa trong khi tập trận diễn ra. Bên cạnh đó, cũng đã có một số lần Triều Tiên chấp nhận tham gia rồi lại đơn phương rút khỏi các cuộc đàm phán về hòa bình và giải trừ hạt nhân. Do vậy, nhiều chuyên gia tỏ ra “lạc quan một cách thận trọng” với tuyên bố trên, đồng thời đặt câu hỏi về ý định thật sự của ông Kim Jong-un lần này.
Một số ý kiến cho rằng, ông Kim Jong-un cuối cùng sẽ chấp nhận từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu ông nhận được những tín hiệu tích cực như sự bảo đảm về an ninh. Kênh truyền hình RTdẫn lời Brian Becker, giám đốc Liên minh ANSWER cho biết: “Khi nhìn lại 25 năm qua của chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, ta thấy rõ rằng Triều Tiên thực sự không muốn có 1 cuộc chiến tranh với Mỹ. Họ muốn sự đảm bảo an ninh từ phía Mỹ”.
Nhà phân tích Zhao từ trung tâm Carnegie-Tsinghua thì nhận định: “Tôi cho rằng Triều Tiên đang thực hiện một chiến lược gồm 2 bước. Bước đầu tiên là phát triển khả năng phòng thủ hạt nhân bằng mọi giá để đáp ứng nhu cầu an ninh cơ bản. Mục tiêu này đã đạt được vào cuối năm 2017. Bây giờ là lúc Triều Tiên tập trung vào bước thứ 2 là phát triển kinh tế, sau khi đã đáp ứng được các mục tiêu về an ninh. Có lẽ nhà lãnh đạo Kim Jong-un hy vọng đưa Triều Tiên trở thành một quốc gia thịnh vượng, được sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế”.
Theo ông Zhao, thiện chí của nhà lãnh đạo Triều Tiên nhận được sự phản hồi tích cực của nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, là bởi nếu thực hiện được cam kết nói trên, Triều Tiên sẽ không còn trở thành mối lo ngại đối với an ninh trong khu vực.
Peter Ward, một nhà nghiên cứu của Đại học Quốc gia Seoul nhấn mạnh: “Đây không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên. Tôi cho rằng Triều Tiên đang thể hiện thái độ rất nghiêm túc đối với hòa bình”.
Song song với những đánh giá đầy lạc quan vẫn còn nhiều hoài nghi về việc Triều Tiên có thể đưa ra những điều kiện ngược lại. Chẳng hạn như Bình Nhưỡng có thể tìm kiếm thứ gì đó để đổi lấy bước đi trên tại các cuộc hội đàm cấp cao dự kiến sắp diễn ra với Hàn Quốc và Mỹ.
“Tuyên bố trên là rất quan trọng nhưng liệu Triều Tiên có thật sự nghiêm túc hay không vẫn còn phải chờ xem. Triều Tiên không bao giờ làm gì mà không có lý do vì vậy có thể họ đang tìm kiếm điều gì đó từ phía Mỹ”, CNN dẫn lời cựu phân tích viên về Triều Tiên của CIA Sue Mi Terry.
Nhà phân tích Catherine Dill tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury ở Monterey khẳng định: “Cam kết dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa không đồng nghĩa với việc Triều Tiên phá bỏ toàn bộ chương trình này. Tín hiệu nêu trên cho thấy Triều Tiên đã đạt được độ chín muồi trong công nghệ và tên lửa. Tuy nhiên việc xác minh là một quá trình phức tạp, đòi hỏi cần phải thương lượng nhiều hơn và đặt nhiều tin tưởng hơn ở hiện tại. Chúng ta cần phải nhớ rằng Triều Tiên có thể dễ dàng đảo ngược tình thế”.
Triều Tiên đã thực sự hài lòng với công nghệ hạt nhân?
Các chuyên gia nhận định, lý do Triều Tiên quyết định ngừng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa một phần là bởi nước này đã làm chủ công nghệ vũ khí hạt nhân cũng như có khả năng ngăn cản 1 vụ tấn công hạt nhân.
Các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên thời gian gần đây đã cho thấy sự cải thiện đáng kể về kỹ thuật khi tên lửa bay được ngày càng xa và hiện đã có thể đạt đến tầm bắn 10.400 km. Trong khi vụ thử hạt nhân lần thứ 5 và thứ 6 vào năm 2016 và 2017 cũng đánh dấu những cột mốc quan trọng.
Sau vụ thử hạt nhân tháng 9/2016, hãng thông tấn KCNA tuyên bố Triều Tiên đã có thể sản xuất các vũ khí hạt nhân thu nhỏ, nhẹ hơn và đa dạng hơn với sức tấn công mạnh hơn. Điều này rõ ràng đã nâng tầm công nghệ của Triều Tiên lên mức có thể lắp đặt được trên những tên lửa đạn đạo.
Tiếp đến tháng 9/2017, Triều Tiên tiếp tục tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch (hay còn gọi là bom H). Theo hãng thông tấn KCNA, lần thử này nhằm kiểm tra và xác nhận độ chính xác và đáng tin cậy của công nghệ kiểm soát cường độ và thiết kế kết cấu bên trong vừa được đưa vào để chế tạo bom H thay thế lượng chất nổ của ICBM.
Chuyên gia về kiểm soát vũ khí Melissa Hanham tại MIIS nhận xét, có lẽ nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cảm thấy hài lòng với tiến bộ của chương trình hạt nhân nên thấy không cần phải thử thêm nữa. “Mục đích của các vụ thử tên lửa và hạt nhân là để đảm bảo rằng các thiết kế mới hoạt động ổn định như dự tính. Nếu các thiết kế này không gặp vấn đề gì, Triều Tiên không cần phải thử tiếp”, ông nói.
Đánh giá một cách rộng hơn, chuyên gia Lewis cho rằng chương trình vũ khí của Triều Tiên có thể đã chuyển từ giai đoạn “thử nghiệm” sang “chế tạo” và nước này đang "dự trữ vũ khí và tên lửa".
Ông Kim Jong-un muốn tập trung phát triển kinh tế?
Từ khi lên nắm quyền vào năm 2011, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thực hiện chính sách Song hành (byungjin), vừa phát triển kinh tế vừa phát triển quân sự. Về mặt quân sự, Triều Tiên đã đạt được những tiến bộ vượt bậc, song nền kinh tế của nước này vẫn đang tụt hậu do ảnh hưởng của một loạt biện pháp trừng phạt. Là một nhà lãnh đạo trẻ tuổi, ông Kim Jong-un có thể cởi mở hơn với sự thay đổi Triều Tiên trong đó có việc cho phép các thị trường hoạt động trong nước.
“Về cơ bản, Triều Tiên đang chuyển sang việc tìm kiếm sự giàu có và thịnh vượng. Họ chứng minh bằng việc ngừng chương trình hạt nhân hoàn toàn và cho cả thế giới thấy rõ bây giờ họ muốn tham gia vào mô hình Đông Á, với hy vọng mang đến phép màu về kinh tế”, Tiến sỹ Simone Chun thuộc Mạng lưới Hòa bình Triều Tiên cho biết.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế, Triều Tiên cần phải có tấm vé hòa bình mà điển hình là thỏa thuận chính thức kết thúc chiến tranh liên Triều, kéo dài từ năm 1950 cho tới nay. Nhiều ý kiến hy vọng Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều được tổ chức ngày 27-4 sẽ mở đường cho giai đoạn hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
“Đó là bước đi lớn của chính phủ Triều Tiên trước thềm cuộc hội đàm với Hàn Quốc. Họ đang loại bỏ tất cả những trở ngại có thể ngăn cản bước phát triển lớn, thực sự và khả thi trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời có thể chính thức kết thúc Chiến tranh liên Triều”, chuyên gia Becker nhận định.
Theo chuyên gia này, đây là điều mà tất cả người Triều Tiên đều mong muốn, giống việc có được hiệp ước hòa bình, việc có khả năng trao đổi thương mại với các nước trên thế giới và đưa nền kinh tế hội nhập vào kinh tế thế giới.
Một hiệp ước quan trọng giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tất yếu sẽ mở đường cho thỏa thuận chung đầy triển vọng giữa Washington với Bình Nhưỡng, mang đến cho Triều Tiên kỷ nguyên mới.
Theo VOV