Hôm nay (27-4), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un có cuộc gặp lịch sử, sự kiện được cho là cơ hội để xác nhận cam kết của Bình Nhưỡng về vấn đề phi hạt nhân hóa.
Tại cuộc họp báo ngày 26-4, Chánh Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc và là người đứng đầu Ủy ban chuẩn bị thượng đỉnh liên Triều, ông Im Jong-seok cho biết, với sự hộ tống của 9 trợ lý quan trọng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ đi bộ qua biên giới hai miền Triều Tiên để đến Nhà Hòa bình, phía nam làng đình chiến Panmunjom, bên trong khu vực phi quân sự và tham dự cuộc gặp với Tổng thống Moon Jae-in.
Đoàn hộ tống gồm các quan chức cấp cao của đảng, quân đội và chính phủ Triều Tiên, trong đó có Chủ tịch đoàn Chủ tịch Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam và em gái ông Kim, bà Kim Yo-jong. Như vậy, ông Kim Jong-un sẽ trở thành lãnh đạo đầu tiên của CHDCND Triều Tiên đặt chân lên lãnh thổ Hàn Quốc kể từ Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Mọi khâu chuẩn bị với sự phối hợp của cả hai bên đã hoàn tất kỹ lưỡng. Theo AFP, vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên sẽ được đặt lên bàn nghị sự. Bình Nhưỡng vốn có bước phát triển nhanh chóng về chương trình vũ khí hạt nhân dưới thời ông Kim Jong-un, người kế nhiệm ông Kim Jong-il vào năm 2011.
Năm ngoái, khi Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6, cũng là vụ thử hạt nhân mạnh nhất, và phóng các tên lửa đạn đạo có thể vươn đến Mỹ, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang, thậm chí dẫn đến lo ngại có khả năng biến thành xung đột quân sự.
Tổng thống Moon jae-in đã dùng Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018 làm cơ hội để tạo đột phá, mang lại đối thoại hiếm hoi cho hai miền Triều Tiên, đồng thời dọn đường cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều vào tháng 5 hoặc tháng 6 tới.
CHDCND Triều Tiên vốn ủng hộ việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên nhưng xem đây là điều kiện then chốt để buộc Mỹ phải rút quân khỏi Hàn Quốc, chấm dứt “chiếc ô hạt nhân” của Washington đối với đồng minh Soeul. Hiện Washington vẫn muốn Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân và cho rằng, quốc gia châu Á này phải làm được như vậy “một cách hoàn chỉnh, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”.
Bình Nhưỡng cũng từng đề cập các biện pháp phi hạt nhân hóa cần được tiến hành từng giai đoạn và đồng bộ. Vì vậy, có không ít sự hoài nghi về thành công của sự kiện lần này cũng như cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới. Những khác biệt về quan điểm cần phải được gỡ bỏ thì mới có thể cải thiện quan hệ liên Triều, tiến tới phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên.
Sinh viên Hàn Quốc tuần hành ở thủ đô Seoul ủng hộ cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều. Ảnh: Reuters |
GS. Kim Hyun-wook, Viện Ngoại giao quốc gia Hàn Quốc nói với hãng AFP rằng, vấn đề là lãnh đạo hai miền có thể không quyết định được mọi chuyện vốn rất “nóng” từ nhiều thập niên qua. “Các vấn đề sẽ được bàn thảo tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều và không dễ dàng đưa ra lời hứa phi hạt nhân hóa trước khi bất kỳ cuộc đàm phán cụ thể nào diễn ra”, GS. Kim Hyun-wook nói.
Những ngày gần đây, Seoul cam kết thúc đẩy lộ trình hướng đến một hiệp định hòa bình, chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953. Song, trong cuộc họp báo ngày 26-4, ông Im Jong-seok không nhắc lại chuyện này. Trong khi đó, báo Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Lao động Triều Tiên - ca ngợi cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều là kết quả từ “quyết định táo bạo” của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Phi hạt nhân hóa hoàn toàn sẽ là con đường duy nhất để CHDCND Triều Tiên thoát khỏi các biện pháp trừng phạt quốc tế. Theo GS. Jun Bong-geun thuộc Viện Ngoại giao và An ninh quốc gia Hàn Quốc, Bình Nhưỡng cũng cần chứng minh thiện chí xây dựng niềm tin rằng nước này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Chưa rõ có một thông cáo chung, hay hiệp định hòa bình giữa hai miền được đưa ra hay không, nhưng bầu không khí tích cực trước thềm cuộc gặp liên Triều lần thứ ba này vẫn mang lại nhiều hy vọng về hòa bình, hòa giải thật sự.
Hãng AFP cho biết, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un chính thức bắt đầu hội đàm lúc 10 giờ 30 ngày 27-4 (8 giờ 30 cùng ngày, giờ Việt Nam). Đây là hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba giữa hai miền, sau sự kiện năm 2000 và 2007. Hai ông sẽ không dùng bữa trưa chung, mà ăn riêng biệt tại phía nam và phía bắc của làng đình chiến Panmunjom. Dự kiến hai nhà lãnh đạo trồng một cây thông có nguồn gốc từ năm 1953, thời điểm kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, trên đường phân định quân sự (MDL) chia cắt hai miền. Ông Kim sẽ tưới cho cây bằng nước lấy từ sông Hàn ở Hàn Quốc và ông Moon sẽ dùng nước lấy từ sông Daedong ở CHDCND Triều Tiên, qua đó thể hiện ước vọng hòa bình và thịnh vượng cho khu vực. Chữ ký của hai ông cũng được khắc vào tảng đá đặt trước cây này cùng dòng chữ “Vun trồng hòa bình và thịnh vượng”. |
PHÚC NGUYÊN