Hội nghị G7 đạt một số nhất trí về vấn đề Nga và Triều Tiên

.

Chiều 24-4 (theo giờ địa phương), Hội nghị Ngoại trưởng và An ninh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) đã kết thúc sau 3 ngày họp.

Hội nghị công bố các cam kết Toronto và khẳng định cùng phối hợp hành động trong ứng phó với các thách thức chung toàn cầu.

Các quan chức dự hội nghị G7 ở Toronto. Ảnh: Tân Hoa xã.
Các quan chức dự hội nghị G7 ở Toronto. Ảnh: Tân Hoa xã.

Ngoài ra, với việc xem xét thành lập Nhóm đặc biệt về Nga cũng như thống nhất quan điểm về Triều Tiên cho thấy các thành viên G7 đang đặt hai vấn đề này vào “danh mục” ưu tiên cao nhất hiện nay.

Kết quả sau 3 ngày thảo luận, các bộ trưởng đã nhất trí đưa ra các Cam kết Toronto; tái khẳng định tin tưởng vào các nền kinh tế mở, xã hội mở và chính phủ mở. Các bộ trưởng cũng nhất trí sẽ phối hợp xây dựng đề xuất trình lên các nhà lãnh đạo G7 trong cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 6 tới.

Những đề xuất đó bao gồm phối hợp thúc đẩy dân chủ và ngăn chặn can thiệp của nước ngoài; duy trì trật tự quốc tế dựa theo luật định; ngăn chặn xung đột và hỗ trợ các nỗ lực cải cách của Liên Hợp Quốc; thúc đẩy giải trừ vũ khí và không phổ biến hạt nhân; đối phó với các mối đe doạ an ninh xuyên quốc gia, chống bạo lực cực đoan, ngăn chặn sự di chuyển của các phần tử khủng bố và việc sử dụng Internet cho mục đích khủng bố; giải quyết các mối đe dọa đối với an ninh mạng; chống buôn người; và thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.

Ngoài ra, Ngoại trưởng G7 cũng đã đạt được nhất trí về một số vấn đề quan trọng, trong đó có việc đề xuất thành lập Nhóm đặc biệt về Nga và duy trì sức ép với Triều Tiên. Việc 2 “hồ sơ” Nga và Triều Tiên được nhấn mạnh trong kết quả cuộc họp Ngoại trưởng G7 nhằm chuẩn bị chương trình nghị sự cho Hội nghị Thượng đỉnh của nhóm vào đầu tháng 6 tới cho thấy: đây đang là những vấn đề được ưu tiên cao nhất.

Ngoại trưởng Canada, Chrystia Freeland cho biết: “Chúng tôi đã dành một lượng thời gian đáng kể để nói về Nga và những hành động của họ. Chúng tôi bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đối với những hành động của Nga… Các nước G7 sẽ thống nhất với nhau trong quyết tâm giải quyết những việc này phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế”.

Nga dù là đối thủ của Mỹ và các đồng minh phương Tây với nòng cốt nằm trong G7, nhưng trong nhiều trường hợp lại trở thành đối tác để giải quyết nhiều vấn đề an ninh toàn cầu. Chưa cần nói tới sự phản đối, đáp trả mà chỉ cần thiếu vắng sự tham gia hay tiếng nói của Nga là Mỹ và phương Tây đã rất khó để giải quyết hiệu quả hay dứt điểm các vấn đề an ninh toàn cầu như các “điểm nóng” ở Trung Đông, chương trình hạt nhân của Iran cũng như Triều Tiên, khủng bố…

Tuy nhiên,  Mỹ và phương Tây lại để những bất đồng, mâu thuẫn lấn lướt, chi phối trong quan hệ với Nga, đặc biệt trong các vấn đề như cuộc khủng hoảng Ukraine hay những tranh cãi quanh vụ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal tình nghi bị đầu độc ở Anh.

Trong khi đó, vấn đề hạt nhân Triều Tiên đang ở vào giai đoạn bước ngoặt. Hiện chưa biết tuyên bố ngừng các hoạt động thử nghiệm hạt nhân từ ngày 21/4 để tập trung vào phát triển kinh tế của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có hiệu lực tới khi nào, tuy nhiên điều đó được xem là sự xuống thang chưa từng có của Triều Tiên. Chính vì thế, tuyên bố ngày 21/4 của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã gây ra chia rẽ trong nội bộ G7 và đó là điều nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới thấy rằng cần phải dẹp sang một bên để thống nhất quan điểm, từ đó đi tới thống nhất hành động với Triều Tiên.

Theo kế hoạch, Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ diễn ra tại Charlevoix ở tỉnh Quebec của Canada trong hai ngày 8 đến 9-6.

Theo VOV

 

;
.
.
.
.
.
.