Sau chiến dịch không kích chớp nhoáng Syria được cho là “sứ mệnh hoàn hảo”, Mỹ đang chuẩn bị những biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga với cáo buộc Mátxcơva tiếp tục ủng hộ Tổng thống Syria Bashar-al Assad.
Vụ tấn công ở thị trấn Douma của Syria ngày 7-4 bị cho là sử dụng vũ khí hóa học. Mỹ đã dùng cái cớ này để dùng đồng minh Anh và Pháp tấn công Syria. Ảnh: Tân Hoa xã |
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Nikki Haley khẳng định cường quốc này sẽ công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga hoặc Syria ngày 16-4 (giờ Washington). Theo đó, các lệnh trừng phạt sẽ nhằm vào các công ty Nga đã giúp chính quyền Syria sản xuất và triển khai vũ khí hóa học.
Thông điệp mạnh mẽ của Mỹ
Hãng AP dẫn lời Đại sứ Mỹ Nikki Haley gọi các biện pháp trừng phạt của Mỹ là “thông điệp mạnh mẽ” bởi Nga đã ngăn cản nỗ lực của Hội đồng Bảo an LHQ trong việc điều tra vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học ở Syria xảy ra ngày 7-4.
“Những biện pháp này sẽ trực tiếp nhằm vào công ty nào giao dịch các thiết bị liên quan ông Assad và việc sử dụng vũ khí hóa học. Tất cả mọi người đều biết rằng chúng ta đang phát một thông điệp mạnh mẽ và hy vọng họ sẽ lắng nghe thông điệp đó”, bà Haley nói.
Nhà ngoại giao này cho rằng, một trong những mục tiêu mà Mỹ đặt ra là bảo đảm vũ khí hóa học không được sử dụng để làm tổn hại đến lợi ích quốc gia này. Vì vậy, theo bà, cuộc tấn công của Mỹ và các đồng minh Anh, Pháp ở Syria là “đòn giáng nặng nề vào chương trình vũ khí hóa học”.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói rằng, Mátxcơva sẽ không trì hoãn việc thông qua đạo luật đáp trả các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ. Các thành viên cấp cao của Hạ viện Nga đang cân nhắc đạo luật trao quyền cho Điện Kremlin cấm hoặc hạn chế các hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Các nhà quan sát cho rằng, việc Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga sẽ làm quan hệ song phương ngày càng lao dốc. Nếu Mỹ chính thức công bố lệnh mới, đây sẽ là lần đầu tiên Washington đưa ra biện pháp trừng phạt Nga liên quan đến vấn đề Syria.
Những lệnh trừng phạt trước đó liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và việc sáp nhập bán đảo Crimea. Lần này, Mỹ khiến quan hệ với Nga xuống đến mức thấp nhất trong hàng chục năm qua, thậm chí tạo ra nguy cơ đối đầu trực diện giữa hai cường quốc hạt nhân.
Ông Nizar Abboud, Trưởng đại diện hãng phát thanh truyền hình Al Mayadeen của Lebanon tại LHQ, chuyên gia về các vấn đề của Trung Đông cho rằng, việc Mỹ đang cứng rắn cả trên mặt trận kinh tế và an ninh khi cùng lúc đe dọa chiến tranh thương mại với Trung Quốc, gây căng thẳng với Nga và tấn công Syria cho thấy Chiến tranh Lạnh đã quay trở lại.
Tuy nhiên, Nga hiện vẫn “án binh bất động”. Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Nga muốn nghiên cứu bản dự thảo nghị quyết về vấn đề Syria do Mỹ cùng đồng minh Anh và Pháp đề xuất, sau khi dự thảo nghị quyết của Nga lên án hành động tấn công Syria không thông qua được tại cuộc họp Hội đồng Bảo an LHQ. Động thái này cho thấy phản ứng mềm hơn của Nga, chứ không phải là hành động cứng rắn như dự báo.
Liên minh châu Âu thờ ơ
Nhóm họp tại Luxembourg ngày 16-4, các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) dường như thờ ơ với nỗ lực của Mỹ trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga hoặc Syria. Các ngoại trưởng dự kiến đưa ra một tuyên bố chung để ngỏ khả năng lệnh cấm đi lại và “đóng băng” tài sản đối với người Syria, vốn bị phương Tây cáo buộc liên quan đến vụ tấn công nghi dùng vũ khí hóa học hôm 7-4.
Ngoại trưởng Hà Lan Stef Blok cho biết, các nhà ngoại giao tiếp tục thúc đẩy để đạt được một lệnh ngừng bắn, viện trợ nhân đạo thông qua Hội đồng Bảo an LHQ và cuối cùng là một tiến trình hòa bình. “Giải pháp duy nhất là một tiến trình hòa bình thông qua Hội đồng Bảo an LHQ”, ông Blok nhấn mạnh.
Các nhà ngoại giao EU cũng khuyến cáo rằng, cho đến khi các chính phủ châu Âu có thêm ý kiến về kế hoạch trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga thì không thể làm theo Washington.
Nga là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của châu Âu. Trong lúc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đáng kể nhằm vào lĩnh vực tài chính, năng lượng, quốc phòng của Nga xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine, mối quan hệ gắn bó giữa Nga và một số thành viên EU đã làm phức tạp các cuộc thảo luận của khối này.
EU cũng từng áp đặt trừng phạt về kinh tế nhằm vào chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhưng không có kết quả. Điều đáng nói là hầu hết các chính phủ thành viên EU đều cho rằng, muốn đàm phán hòa bình thành công thì ông Assad không thể tiếp tục tại nhiệm.
Dù Mỹ tuyên bố chiến dịch không kích chớp nhoáng nhằm răn đe Syria, để chính phủ nước này không tái diễn việc sử dụng vũ khí hóa học, nhưng mục đích thật sự của Washington là muốn tái khẳng định vai trò cũng như ảnh hưởng tại khu vực, thậm chí muốn thay thế vai trò của Mátxcơva trên bàn cờ Trung Đông; ngoài ra còn nhiều động cơ ẩn giấu khác.
Vì vậy, giới quan sát cho rằng, cáo buộc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học để tiến hành “sứ mệnh hoàn hảo” thực chất chỉ là một nước cờ, “một mũi tên trúng nhiều đích” khi vừa răn đe Damascus, vừa ngăn Nga cứu đồng minh, vừa khiến ông Assad sẽ phải nhanh chóng từ nhiệm.
PHÚC NGUYÊN