Mâu thuẫn quốc tế xung quanh vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal cùng con gái Yulia tiếp tục gia tăng với việc Nga chỉ trích Anh đang “đùa với lửa”.
Đại sứ Nga Vassily Nebenzia dẫn đoạn trích từ tiểu thuyết Alice ở xứ sở diệu kỳ để nói về sự quy kết của phương Tây đối với Mátxcơva khi không có bằng chứng cụ thể. Ảnh: AP |
Hãng AP cho biết, tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) ở New York (Mỹ) ngày 5-4 (giờ địa phương), Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cho rằng, Mátxcơva là nạn nhân của chiến dịch phỉ báng, cẩu thả và thiếu thiện chí từ Anh cùng các đồng minh của London.
Ông Nebenzia cáo buộc Anh dựng lên một câu chuyện không có thật và đang “đùa với lửa”, đồng thời cho rằng London muốn dùng những cáo buộc vô căn cứ để bôi nhọ uy tín và làm Mátxcơva mất thể diện. “Đây là chiến dịch đã được chuẩn bị trước và có sự phối hợp nhằm làm mất uy tín, thậm chí làm mất thể diện của Nga. Anh đang đùa với lửa và sẽ phải hối tiếc về hành động của mình”, ông Nebenzia nói và cho rằng Anh đã phát động một “cuộc chiến ngoại giao” nhằm vào Nga.
Đại sứ Anh tại LHQ Karen Pierce “phản pháo” rằng, Nga đã đưa ra 24 giả thuyết về việc ai chịu trách nhiệm đối với vụ đầu độc cựu điệp viên nhưng London chỉ có 1 giả thuyết, đó là Nga có thể phải chịu trách nhiệm. Theo Đại sứ Pierce, trong 24 giả thuyết của Nga có việc đổ lỗi cho khủng bố và Anh muốn dùng vụ đầu độc để thế giới quên đi việc Vương quốc này sắp rời Liên minh châu Âu (EU).
Tại cuộc họp, hai bên liên tục tranh cãi nảy lửa. Đại sứ Nga Nebenzia thậm chí dẫn đoạn trích từ tiểu thuyết Alice ở xứ sở diệu kỳ về việc nữ hoàng yêu cầu phải kết án Alice trước khi đưa ra xét xử để nói về sự quy kết của phương Tây đối với Nga khi không có bằng chứng cụ thể. Đáp lại, Đại sứ Anh Pierce dẫn một đoạn trích từ tiểu thuyết này nhằm quy kết trách nhiệm cho Nga xung quanh vụ đầu độc.
Cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ diễn ra theo yêu cầu của Nga nhằm buộc Anh phải trả lời những câu hỏi mang tính pháp lý liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal cùng con gái Yulia xảy ra ngày 4-3 vừa qua ở thành phố Salisbury. Anh vốn quy kết Nga đứng sau vụ việc này. Hơn 20 quốc gia ủng hộ Anh, trong đó có Mỹ, các thành viên EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã ra lệnh trục xuất hơn 150 nhà ngoại giao Nga. Mátxcơva kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc và cũng trục xuất các nhà ngoại giao với số lượng tương đương. Động thái “ăn miếng, trả miếng” của các bên tạo ra khủng hoảng ngoại giao và cuộc đối đầu giữa Nga với phương Tây chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay.
Thực tế, tuy Anh cáo buộc Nga liên quan đến vụ tấn công và sử dụng chất độc thần kinh Novichok nhưng không đưa ra được bằng chứng thuyết phục theo yêu cầu của Mátxcơva. Giám đốc điều hành Phòng Thí nghiệm công nghệ và khoa học quốc phòng (DSTL) Porton Down (Anh), ông Gary Aitkenhead tuyên bố, các chuyên gia của phòng thí nghiệm này đã nhận diện được chất độc sử dụng trong vụ đầu độc thuộc nhóm chất độc thần kinh có tên gọi Novichok nhưng không thể xác định nguồn gốc của hóa chất này và không thể chứng minh chất độc được sản xuất tại Nga. Theo ông Aitkenhead, Anh đã tự kết luận về nguồn gốc của hóa chất này mà không dựa trên phân tích nào và London sẽ phải xin lỗi Nga. Điện Kremlin cũng đã yêu cầu chính phủ Anh phải xin lỗi. Hơn nữa, Nga cũng bác bỏ thông tin mà báo The Times của Anh cho rằng, chất độc Novichok trong vụ đầu độc được sản xuất tại một phòng thí nghiệm ở thị trấn Shikhany, miền trung nước Nga.
Hiện tại, bệnh viện ở thành phố Salisbury xác nhận sức khỏe của Yulia đang phục hồi, còn người cha 66 tuổi của cô vẫn trong tình trạng nguy kịch.
PHÚC NGUYÊN