Tổng thống Donald Trump vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về một vụ tấn công quân sự nhằm vào Syria, trong lúc các quan chức Mỹ thúc giục cần có chứng cứ thuyết phục về việc chính phủ Damascus đã sử dụng vũ khí hóa học.
Ông Vassily Nebenzia, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, cho rằng ưu tiên trước mắt là tránh nguy cơ một cuộc chiến. Ảnh: Reuters |
Ngày 12-4 (giờ Washington), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho rằng, chính phủ của ông cần chậm lại một chút trong quyết định tấn công Syria. Có thể thấy rõ Lầu Năm Góc lo ngại một chiến dịch hợp tác không kích do Mỹ dẫn đầu có thể leo thang thành xung đột quân sự quy mô lớn hơn giữa Nga, Iran và phương Tây.
Tờ New York Times dẫn nguồn tin riêng cho biết, tại cuộc họp kín của Nhà Trắng, ông Mattis nói rằng, cần tìm thêm chứng cứ buộc tội vai trò của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong vụ tấn công nghi bằng vũ khí hóa học hôm 7-4, từ đó sẽ đủ luận cứ để thuyết phục với thế giới rằng hành động quân sự là cần thiết tại quốc gia Trung Đông này.
Theo ông Mattis, Mỹ, Anh và Pháp cần đưa ra được chứng cứ thuyết phục về việc chính phủ Syria đã sử dụng các loại vũ khí hóa học để tấn công thị trấn Douma. Đương nhiên giới chức Mỹ chưa quên bài học tại Iraq rằng mọi thứ có thể chệch hướng sau một cuộc tấn công quân sự không có kế hoạch cẩn thận. Đương nhiên ông Mattis cũng muốn Mỹ và các đồng minh châu Âu có thể “đường hoàng” tấn công Syria mà không phải đối mặt với những chỉ trích từ Mátxcơva.
Bất chấp sự thận trọng này của ông Mattis, hai quan chức quốc phòng khác ước đoán sẽ rất khó khăn để có thể rút lại quyết định tiến hành các cuộc không kích trừng phạt, căn cứ vào lời đe dọa trên Twitter của Tổng thống Trump một ngày trước đó nói rằng tên lửa của Mỹ “sắp tiến đến”.
Thực tế, ông Mattis cũng đã công khai nêu quan điểm cảnh báo với chính phủ về vấn đề tấn công Syria trong sáng 12-4. Phát biểu trước Ủy ban Quân ủy Hạ viện, ông cho rằng, việc không kích trừng phạt phải được cân bằng với nguy cơ một cuộc chiến lan rộng. “Chúng tôi đang cố gắng ngăn chặn việc sát hại những thường dân vô tội. Nhưng ở cấp độ chiến lược, đó là cách chúng tôi giữ tình hình không vượt ngoài tầm kiểm soát”, ông Mattis nói.
Nhiều giờ sau khi ông Mattis nêu rõ những quan ngại về một quyết định tấn công Syria, tại Nhà Trắng, các cố vấn an ninh cấp cao nhất của Tổng thống Trump cũng kết thúc cuộc họp mà không đi đến quyết định “khai hỏa” nào, như thông báo sau đó của bà Sarah Huckabee - Thư ký báo chí.
Trong diễn biến liên quan, nỗ lực ngoại giao giải quyết vấn đề của các bên liên quan tiếp tục diễn ra trong ngày 12-4. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Theresa May, Tổng thống Trump đồng ý quan điểm cho rằng, “điều quan trọng là không thể cho qua việc sử dụng các loại vũ khí hạt nhân”, đồng thời cam kết sẽ “tiếp tục hợp tác chặt chẽ cùng nhau về vấn đề phản ứng quốc tế” đối với sự việc tại Syria. Theo kế hoạch, dự kiến ông Trump sẽ có cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để bàn về cách phối hợp hành động.
Tại Liên Hợp Quốc (LHQ), Đại sứ Mỹ Nikki R. Haley tuyên bố, “chúng tôi nhất định có đủ bằng chứng” về một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria. “Tuy nhiên, chúng tôi sẽ phải thận trọng hơn trong hành động của mình”, bà nói.
Trước những quan điểm căng thẳng và “căng như dây đàn” của Mỹ, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia tiếp tục cảnh báo nếu Mỹ phát động một cuộc không kích nhằm vào Syria với lý do trừng phạt sau vụ tấn công nghi là dùng vũ khí hóa học sẽ làm phát động một cuộc chiến tranh giữa Washington và Mátxcơva. “Ưu tiên trước mắt là tránh nguy cơ một cuộc chiến”, đài BBC (Anh) dẫn lời ông Vassily Nebenzia nhấn mạnh.
Ông Vassily Nebenzia cáo buộc Washington đẩy hòa bình thế giới vào tình thế rủi ro. Nhiều nhân vật cấp cao khác của Nga, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng, cảnh báo tên lửa Mỹ sẽ bị bắn hạ và các bệ phóng tên lửa sẽ là mục tiêu tấn công của Mátxcơva trong trường hợp sinh mệnh binh sĩ của họ bị đe dọa. Ông Nebenzia cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ tiếp tục họp vào ngày 13-4 để thảo luận về khả năng hành động quân sự của phương Tây. Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) cũng cho biết các chuyên gia sẽ đến Syria và bắt đầu công tác điều tra trong ngày 14-3.
Hàng loạt cường quốc tuyên bố không tham chiến nếu Mỹ phát động cuộc không kích phối hợp nhằm vào Syria. Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định Berlin sẽ không tham gia cuộc tấn công quân sự nhằm vào chính quyền Syria để đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng, nước ông sẽ không để bất kỳ sự leo thang nào gây tổn hại ổn định cho khu vực Trung Đông. |
TRẦN ĐẮC LUÂN