Quốc tế tìm giải pháp chính trị cho Syria sau cuộc tấn công tên lửa

.

Quốc tế đang tích cực tái khởi động tiến trình chính trị cho Syria, gần 1 tuần sau khi Mỹ và đồng minh không kích Syria.

Gần một tuần sau khi Mỹ và đồng minh không kích Syria với cáo buộc chính phủ nước này sử dụng vũ khí hóa học, quốc tế đang tích cực tái khởi động tiến trình chính trị cho Syria.

Bầu trời Syria rực sáng trong đêm bị Mỹ-Anh-Pháp tấn công. Ảnh: AP.
Bầu trời Syria rực sáng trong đêm bị Mỹ-Anh-Pháp tấn công. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, hiện cũng có nhiều lo ngại cuộc chiến tại quốc gia Trung Đông này sẽ tiếp tục phức tạp hơn với sự đối đầu giữa các cường quốc, cũng như nguy cơ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang hồi sinh trở lại.

Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura đang thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao nhằm tìm hiểu những phương án cho việc tái khởi động tiến trình chính trị do Liên Hợp Quốc làm trung gian, theo khuôn khổ Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an.

Theo nghị quyết 2254 được Hội đồng Bảo an nhất trí năm 2015, kêu gọi tiến hành các cuộc bầu cử tự do và công bằng cũng như soạn thảo hiến pháp mới cho Syria. Đây là cơ sở cho tiến trình do chính người Syria đi đầu và thực hiện để chấm dứt cuộc xung đột.

Trong tuần này, ông Staffan de Mistura đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng một số quốc gia Arab, dự kiến thảo luận với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó là Nga và Iran, tham vấn một số Bộ trưởng châu Âu và đại diện cấp cao của Mỹ tại hội nghị bàn về tình hình Trung Đông diễn ra tại Brussels ( Bỉ) vào tuần tới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 18/4 cũng có cuộc điện đàm với Thủ tướng Áo Sebastian Kurz để thảo luận về tình hình tại Syria và sự cần thiết của việc khôi phục các cuộc hòa đàm dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng nhất là hỗ trợ nhân đạo cho nhân dân Syria và sẵn sàng hỗ trợ khôi phục các cuộc hòa đàm dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 17/4 cũng kêu gọi thúc đẩy tiến trình chính trị tại Syria và để ngỏ khả năng làm trung gian với Nga trong đàm phán về vấn đề Syria.

Ông Heiko Maascho biết: “Tôi nhấn mạnh về việc bắt đầu thúc đẩy tiến trình chính trị tại Syria sau các cuộc không kích. Đây là mục tiêu mà chúng ta cần phải theo đuổi hiện nay. Tôi tin tưởng rằng với mục tiêu được phản ảnh trong chính sách ngoại giao của Đức, cho phép chúng tôi mở cánh cửa đối thoại, giúp tháo gỡ giải quyết cuộc xung đột Syria”.

Sau các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu nhằm và Syria, căng thẳng được cho là đã hạ nhiệt, ít nhất là cho đến thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, hiện cũng có nhiều lo ngại cuộc xung đột sẽ phức tạp hơn với sự đối đầu giữa các cường quốc cũng như nguy cơ hồi sinh của IS.

Người phát ngôn liên minh do Mỹ dẫn đầu chống IS tại Syria và Iraq, Đại tá Ryan Dillon hôm 18/4 cho biết, IS đã lợi dụng cuộc nội chiến đang diễn ra ở Syria để quay trở lại khu vực bờ Tây sông Euphrates và tấn công lực lượng quân đội chính quyền Syria. Tỷ lệ lãnh thổ Syria được giải phóng khỏi IS theo ước tính của Lầu Năm Góc sẽ giảm từ 98% xuống còn 90%. Điều này đặt ra thách thức triển vọng rút quân sớm của Mỹ tại Syria với việc nước này tuyên bố sẽ không rút quân khỏi Syria cho đến khi hoàn thành các mục tiêu, trong đó có việc đánh bại IS.  

Trong một giải pháp được cho là vừa đạt được mục đích rút quân đội ra khỏi Syria vừa giải quyết được mối lo ngại về sự trỗi dậy của IS, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đề xuất triển khai một "lực lượng Arab” tại Syria. Mỹ cho biết đã yêu cầu Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cùng Qatar đảm trách việc thay thế quân đội Mỹ tại Syria , có sứ mệnh đặc biệt giữ ổn định vùng Đông Bắc Syria sau khi IS thất bại.

Tuy vậy, giới quan sát cũng không mấy lạc quan về kế hoạch này của Mỹ. Tuyên bố của Saudi Arabia có khả năng cử quân tới Syria tham gia một liên minh lớn hơn có thể là một khởi đầu tốt, nhưng thực tế họ cũng đang đối mặt với khó khăn trong việc bảo vệ biên giới phía nam của nước này chống lại nhóm vũ trang Houthi tại Yemen.

Một đối tác tiềm năng khác là Các tiểu vương quốc Arab thống nhất cũng đang tham  gia vào cuộc xung đột tại Yemen  nên cũng lo ngại tiếp tục đóng góp quân tại Syria cùng thời điểm. Do đó, nhiệm vụ mà cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton và Ngoại trưởng được đề cử Mike Pompeo sẽ gặp không ít khó khăn trong nỗ lực xây dựng một liên minh lực lượng quân sự Arab tại Syria.

Theo VOV

;
.
.
.
.
.
.