Trong lúc hai miền chuẩn bị cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày 27-4, nhiều người Hàn Quốc mong hòa bình sẽ đến trên bán đảo Triều Tiên, chứ không hy vọng về sự thống nhất, như thông điệp “thống nhất hai miền” mà Bình Nhưỡng đưa ra hồi đầu năm.
Người dân Hàn Quốc tuần hành ủng hộ hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Ảnh: Reuters |
Với khẩu hiệu “Hòa bình, một khởi đầu mới”, cùng mục tiêu thực tế là hòa bình và hòa giải, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có những nỗ lực ngoại giao, thoát dần cách tiếp cận bảo thủ trong vấn đề CHDCND Triều Tiên.
Cuộc gặp hiếm hoi giữa ông với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại làng đình chiến Panmunjom ngày 27-4 nếu thành công sẽ mở đường suôn sẻ cho đàm phán Mỹ - Triều vào tháng 5 hoặc tháng 6 tới.
Tuy nhiên, theo Reuters, với nhiều người Hàn Quốc, khả năng thống nhất hai miền vẫn là điều xa vời. “Di sản” của Chiến tranh Triều Tiên và hàng thập niên hai miền rơi vào tình trạng chiến tranh kỹ thuật với những đe dọa, khiêu khích quân sự cùng việc Bình Nhưỡng theo đuổi vũ khí hạt nhân dường như đã khắc sâu tâm lý lo ngại, hoài nghi về cơ hội thống nhất.
Reuters cho rằng, có thể người dân CHDCND Triều Tiên cảm thấy họ sẽ được nhiều lợi ích khi thống nhất. Nhưng ở một cấp độ khác, người Hàn Quốc không nghĩ như vậy. Việc quốc gia phía nam này trở thành nền kinh tế lớn thứ tư châu Á khiến người dân nơi đây cho rằng, họ sẽ mất mát nhiều hơn nếu thống nhất hai miền.
Báo Rodong Sinmun của CHDCND Triều Tiên tuần trước khẳng định “quyết tâm mạnh mẽ về sự thống nhất”. Trong khi đó, báo cáo thường niên của Đại học Quốc gia Seoul cho biết, người Hàn Quốc đã bày tỏ nhiều ý kiến khác nhau về sự thống nhất, tỷ lệ ủng hộ thống nhất hai miền giảm dần qua các năm.
Năm ngoái, 53,8% số người được hỏi cho rằng thống nhất là “cần thiết”, ít hơn so với con số 63% của 10 năm trước. Cũng theo báo cáo nói trên, 24,7% người dân Hàn Quốc không đặt niềm tin vào cơ hội thống nhất hai miền; trong khi 2,3% cho rằng quá trình này có thể diễn ra trong 5 năm và 13,6% cho rằng có thể diễn ra trong 10 năm.
Cờ thống nhất hai miền Triều Tiên được treo trên tuyến đường ở thành phố biên giới Paju, phía bắc thủ đô Seoul của Hàn Quốc ngày 25-4. Ảnh: Yonhap |
Theo Yonhap, những ngày gần đây, các chính quyền địa phương và các nhóm dân sự ở Hàn Quốc treo những lá cờ thống nhất ở nhiều nơi, trong đó đoạn đường dài 3km từ cầu Tongil đến làng đình chiến Panmunjom, với mong muốn hội nghị thượng đỉnh ngày 27-4 sẽ thành công.
Nền của lá cờ màu trắng tượng trưng cho sự trong sạch của toàn bộ dân tộc trên bán đảo Triều Tiên. Trung tâm lá cờ in hình bán đảo với màu xanh dương thể hiện sự thống nhất dân tộc.
Hãng Yonhap cũng dẫn lời người phát ngôn Kwun Hyuk Ki của Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho hay, Seoul và Bình Nhưỡng đã đồng ý các nội dung chi tiết về cuộc gặp lịch sử lần thứ ba. Theo đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un dự kiến đi bộ qua đường phân định ranh giới quân sự sang phía Hàn Quốc; Tổng thống Moon Jae-in sẽ đón ông Kim ngay trước đường phân định ranh giới. Chương trình nghị sự sẽ bao gồm: phi hạt nhân hóa, xây dựng hòa bình và cải thiện quan hệ liên Triều…
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho rằng, cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều là cơ hội để lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước khẳng định cam kết của CHDCND Triều Tiên đối với việc phi hạt nhân hóa; đồng thời là “bước đệm để cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều thành công”.
Sau vụ thử nghiệm hạt nhân hồi tháng 9-2017 và vụ phóng tên lửa vào cuối tháng 11-2017 đến nay, CHDCND Triều Tiên không những không có thêm động thái nào, mà mới đây còn tuyên bố ngừng thử tên lửa và hạt nhân. Những yếu tố này đang tạo bầu không khí tích cực để đạt được hiệp ước hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, thay cho hiệp ước đình chiến của Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953.
Hãng Yonhap cho hay, ngày 27-4, 24 nhóm dân sự từ thành phố Goyang, thuộc tỉnh Gyeonggi của Hàn Quốc, sẽ tạo một hàng dài 200 người, mỗi người cầm lá cờ thống nhất quanh khu triển lãm Kintex, trung tâm báo chí của hội nghị liên Triều, nhằm thể hiện mong ước hòa bình và thống nhất bán đảo Triều Tiên. |
PHÚC NGUYÊN