Vụ tấn công Syria: Thông điệp rối rắm của Mỹ

.

Sau vụ không kích Syria của liên quân do Mỹ dẫn đầu nhằm phá hủy các cơ sở cất giữ, phát triển vũ khí hóa học, dư luận thế giới vẫn lấn cấn với câu hỏi: Tổng thống Donald Trump sẽ làm gì tiếp theo tại quốc gia Trung Đông này?

Người biểu tình tập trung bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London yêu cầu dừng tấn công Syria.	   					      Ảnh: Reuters
Người biểu tình tập trung bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London yêu cầu dừng tấn công Syria. Ảnh: Reuters

Cuộc không kích chóng vánh đêm 13-4 phát đi những thông điệp quá mù mờ và rối rắm với giới quan sát. Giới chuyên gia lúng túng tự hỏi, không biết ông Trump sẽ làm gì nếu xảy ra các vụ tấn công khác bằng vũ khí hóa học.

Ông lại phát lệnh bắn tên lửa lần nữa? Khi nào Mỹ rút quân khỏi Syria và sẽ rút theo cách nào trong bối cảnh hiện tại có khoảng 2.000 binh sĩ Mỹ đồn trú tại quốc gia này.

Cuộc không kích diễn ra không bao lâu sau khi Tổng thống Trump phát tín hiệu muốn chấm dứt việc Mỹ can thiệp quân sự tại Syria. Nhưng rồi đêm 13-4, khi phát lệnh tấn công Syria, ông lại nói Mỹ sẽ duy trì phản ứng như vậy để ngăn chặn việc sử dụng các loại vũ khí hóa học.

Sau đợt không kích, Mỹ nhấn mạnh một lần nữa rằng, chiến lược của Nhà Trắng về vấn đề Syria chưa bao giờ thay đổi. Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders tuyên bố: “Nhiệm vụ của nước Mỹ vẫn không thay đổi. Tổng thống vẫn luôn nói rõ rằng, ông muốn lực lượng Mỹ sẽ trở về nhà càng nhanh càng tốt”.

Nhưng bà Sanders cũng nói thêm: “Chúng ta kiên quyết xóa bỏ triệt để IS và tạo ra những điều kiện để ngăn chặn việc chúng trở lại. Bên cạnh đó, chúng ta hy vọng các đồng minh và đối tác trong khu vực có trách nhiệm cao hơn, cả về mặt quân sự lẫn tài chính để bảo đảm an ninh cho khu vực”.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo giới, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tái khẳng định sự thay đổi lập trường của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho biết chính ông đã thuyết phục người đồng cấp Mỹ tiếp tục duy trì quân đội tại Syria vì cho rằng việc này cần thiết. Thế rồi, ông Eric Pahon, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ lại nói: “Đợt không kích không phải là tín hiệu thay đổi so với chính sách đã định hình của nước Mỹ”.

Có thể thấy chuyện “đi hay ở” của binh sĩ Mỹ tại Syria cho tới lúc này vẫn chưa có lịch trình cụ thể. Nhưng điều mà dư luận băn khoăn không kém khác là liệu Mỹ sẽ làm gì tiếp, nhất là khi một cuộc tấn công bằng khí độc hoàn toàn có thể tái diễn tại quốc gia Trung Đông.

Có phải chính phủ của ông Trump coi việc sử dụng vũ khí hóa học là “lằn ranh đỏ” mới không? Theo đó, mỗi khi xảy ra một vụ việc như thế, Mỹ sẽ bắn tên lửa trừng phạt? Có vẻ không hẳn như vậy bởi nhiều quan chức quốc phòng Mỹ cho rằng, đây có thể là một vấn đề chính sách cốt lõi mà tổng thống sẽ quyết định tùy theo từng sự việc.

Vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học ngày 7-4 được cho là cái cớ để Mỹ và liên quân tiến hành không kích Syria. Xung quanh những tranh cãi về vụ việc này, nhóm chuyên gia của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã đến Damascus để bắt đầu điều tra từ ngày 18-4.

Giới truyền thông Mỹ cũng lo ngại về một khả năng khác, đó là việc Mỹ sẽ gửi một thông điệp ngoài ý muốn tới CHDCND Triều Tiên, khiến Bình Nhưỡng có thể không muốn từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân do lo ngại tình huống đối đầu tương tự nếu Washington sử dụng biện pháp quân sự.

Lo ngại này không phải không có cơ sở, bởi báo The Korea Joongang Daily của Hàn Quốc ra ngày 16-4 bình luận vụ tấn công của Mỹ nhằm vào Syria là “lời cảnh báo với Bình Nhưỡng”. Tờ báo này bình luận: Nhà lãnh đạo Triều Tiên phải chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này, nếu không sẽ đối mặt với cuộc không kích tương tự.

Tổng thống Trump hoãn trừng phạt Nga

Ngày 16-4, giờ Mỹ (sáng 17-4, giờ Việt Nam), Nhà Trắng phát thông báo cho biết, Tổng thống Donald Trump không phê chuẩn đề xuất áp thêm các trừng phạt kinh tế với Nga sau vụ tấn công nghi bằng vũ khí hóa học xảy ra ngày 7-4 tại Syria.

Bất kể những tuyên bố mạnh mẽ trước đó của bà Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết, Tổng thống Trump chưa đồng ý trừng phạt Nga vì cho rằng lệnh trừng phạt lúc này chưa cần thiết.

G7 lên án vụ tấn công ở Douma

Các nhà lãnh đạo nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) ngày 17-4 ra tuyên bố chung về tình hình Syria, trong đó nhấn mạnh cam kết tìm kiếm giải pháp ngoại giao. Trong thông cáo, lãnh đạo các nước Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh, Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) đồng loạt lên án vụ tấn công nghi bằng vũ khí hóa học ở thị trấn Douma của Syria hôm 7-4, cho rằng việc sử dụng vũ khí hóa học vi phạm Công ước Vũ khí hóa học và tạo ra mối đe dọa đối với hòa bình, an ninh quốc tế; đồng thời nhấn mạnh cam kết tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở Syria.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.
.