Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công bố báo cáo, trong đó cảnh báo mức độ ô nhiễm không khí tại hàng loạt thành phố lớn trên thế giới là vô cùng nghiêm trọng.
Trước khi khảo sát đánh giá, WHO lấy mốc tính từ năm 2014 có đến 92% dân số thế giới sống trong các vùng không khí có mức độ ô nhiễm vượt quá giới hạn của cơ thể và gây tổn hại sức khỏe. Con số này tương đương với tỷ lệ 9/10 người hít phải không khí bị ô nhiễm, nhất là ở những nước nghèo. Điều này cho thấy thế giới đang phải đối mặt với tình trạng y tế “khẩn cấp”, có thể gây thất thoát lớn cho các chính phủ.
Để có kết quả cuối cùng, WHO lấy dữ liệu khảo sát mới nhất từ 2.000 thành phố lớn trên khắp các châu lục cho thấy, tại các vùng đông dân cư, mức độ ô nhiễm tăng cao với sự xuất hiện những làn khói bụi độc hại cấu thành từ khói thải của các phương tiện giao thông, bụi bẩn từ công trường, khói độc từ nhà máy điện và việc đốt củi, than ở các hộ gia đình…
Theo báo cáo được công bố ngày 2-5, ô nhiễm không khí đã làm 7 triệu người chết mỗi năm. Con số này cao hơn số người chết vì AIDS (1,1 triệu), tiểu đường (1,6 triệu), lao phổi (1,4 triệu)... Trong đó đáng chú ý, với gần 1,4 triệu người chết mỗi năm do ô nhiễm, Trung Quốc trở thành quốc gia bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất, tiếp đến là Ấn Độ với 645.000 người và Pakistan với 110.000 người.
WHO cũng cảnh báo có đến 9/10 người dân hằng ngày hít phải không khí nhiễm hạt bụi nhỏ. Những vùng được WHO cảnh báo bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất là Đông Nam Á (kể cả Ấn Độ) và Tây Thái Bình Dương (trong đó có Trung Quốc)…
TUYẾT MINH