EU chật vật cứu thỏa thuận hạt nhân Iran

.

Các nhà lãnh đạo 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất cách tiếp cận chung nhằm duy trì thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái), Thủ tướng Anh Theresa May (giữa) và Thủ tướng Đức Angela Merkel gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh EU - Balkan tại Sofia (Bulgaria) ngày 17-5. 		 				Ảnh: AP
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái), Thủ tướng Anh Theresa May (giữa) và Thủ tướng Đức Angela Merkel gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh EU - Balkan tại Sofia (Bulgaria) ngày 17-5. Ảnh: AP

Quyết định của Tổng thống Donald Trump về việc rút Mỹ khỏi JCPOA khiến các đồng minh châu Âu lâm vào tình thế khó xử. Tại hội nghị thượng đỉnh EU - Balkan ở thủ đô Sofia của Bulgaria ngày 17-5, các nhà lãnh đạo EU nêu rõ sẽ luôn ủng hộ JCPOA nếu Iran tôn trọng thỏa thuận này. EU cũng nhất trí duy trì quan hệ hợp tác kinh tế với Iran và bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu chịu ảnh hưởng tiêu cực do Mỹ từ bỏ JCPOA và trừng phạt Tehran.

Đối với cộng đồng quốc tế, thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) được ký năm 2015 là sự bảo đảm, cho phép thiết lập cơ chế giám sát nhằm ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Tehran.

Đối với Iran, JCPOA giúp quốc gia Hồi giáo này thoát khỏi các biện pháp trừng phạt quốc tế. Việc Mỹ rút khỏi JCPOA khiến châu Âu phải “vật lộn” tìm cách duy trì thỏa thuận, một phần nhằm tránh ảnh hưởng đến các hoạt động hợp tác kinh tế với Iran.

Trong cuộc họp tại Sofia, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, mặc dù các nước EU đồng ý rằng JCPOA chưa phải là một thỏa thuận hoàn hảo nhưng nó vẫn cần được tiếp tục thực thi. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho rằng, EU vẫn đang nỗ lực hết sức để giúp thỏa thuận này “sống”, “để các doanh nghiệp của chúng tôi có thể tiếp tục ở lại Iran”.

Iran từng cảnh báo, nước này đã có sự chuẩn bị để khôi phục quá trình làm giàu uranium “ở quy mô công nghiệp” và “không có bất cứ hạn chế nào” trừ khi châu Âu đưa ra những cam kết bảo đảm chắc chắn rằng mọi lợi ích kinh tế mà Tehran nhận được từ thỏa thuận hạt nhân sẽ không bị suy giảm bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Các nhà lãnh đạo và các chuyên gia EU bắt đầu phác thảo những biện pháp nhằm bảo vệ JCPOA trước sức ép của các lệnh trừng phạt từ Mỹ. Bản kế hoạch của EU tập trung vào 9 điểm mấu chốt, trong đó một vấn đề trọng yếu là bảo đảm việc Iran vẫn có thể bán các sản phẩm dầu, khí đốt của họ cho EU và tiếp cận các dịch vụ tài chính quốc tế.

Hãng thông tấn RIA Novosti của Nga dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết, các lãnh đạo EU đang tính chuyện loại bỏ đồng tiền thanh toán bằng USD trong giao dịch với Iran để thay bằng đồng euro. Thực tế, cách đây không lâu, Iran cũng tuyên bố sẽ sử dụng đồng euro làm ngoại tệ thanh toán thay cho USD trong các giao dịch thương mại quốc tế của nước này.

Tuy nhiên, ngày 16-5, một tín hiệu không vui được phát đi từ “ông lớn” năng lượng Total rằng, nếu không được hưởng quyền miễn trừng phạt của Mỹ, hãng này có thể phải chấm dứt dự án khí đốt nhiều tỷ USD tại Iran. Tehran từng ca ngợi dự án này là biểu tượng thành công của thỏa thuận hạt nhân.

Nếu Total thực sự bỏ cuộc, đó sẽ là “cú đòn” giáng mạnh vào Tổng thống Iran Hassan Rouhani vì ông rất kỳ vọng dự án “siêu khủng” này sẽ là minh chứng thực tế thuyết phục các doanh nghiệp nước ngoài khác tiếp tục rót vốn vào nước ông.

Một thực tế rất rõ là trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU tại Sofia, 28 nguyên thủ đã không thể đưa ra được bất cứ quyết định chóng vánh nào về cách thức “che chắn” cho các quan hệ hợp tác kinh tế giữa họ với Iran trước sức ép trừng phạt của Mỹ.

Cái khó của EU là chưa tìm ra giải pháp hiệu quả để bảo vệ doanh nghiệp châu Âu chống lại các chế tài của Mỹ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã trình bày về các giải pháp khác nhau nhằm bảo vệ nguồn đầu tư từ châu Âu, trong đó có các lệnh trừng phạt đáp trả, cho phép Ngân hàng Đầu tư châu Âu đầu tư vào Iran, điều phối các hạn mức tín dụng từ các chính phủ châu Âu…

Tuy nhiên, căn cứ vào quy mô bao phủ quá rộng của hệ thống tài chính Mỹ, vị thế thống lĩnh của đồng USD và mức độ hiện diện các công ty châu Âu tại cường quốc hàng đầu thế giới, không khó để hiểu khó khăn của EU trong việc cứu vãn thỏa thuận hạt nhân. Đó cũng chính là vấn đề “buộc chân” các lãnh đạo EU khiến họ cứ loay hoay, chần chừ như vậy.

Chiều 17-5, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việt Nam luôn ủng hộ đối thoại để tìm các giải pháp hòa bình nhằm giải quyết mọi bất đồng. Chúng tôi mong rằng các thành viên tham gia kế hoạch chung toàn diện cần tiếp tục kiên trì thương lượng để tìm ra giải pháp mang lại hòa bình, ổn định lâu dài cho khu vực và trên thế giới”.

TTXVN

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.
.