Chuyến thăm thứ hai của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Trung Quốc hồi đầu tuần đã cho thấy vai trò đặc biệt của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng cũng như các cuộc đàm phán về chủ đề phi hạt nhân.
Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp đón nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Đại Liên (Ảnh: Tân Hoa Xã) |
Truyền thông nhà nước Triều Tiên và Trung Quốc hôm qua đồng loạt đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có chuyến thăm tới Đại Liên, thành phố ven biển thuộc tỉnh Liêu Ninh giáp biên giới Trung - Triều, trong hai ngày 7 và 8-5 và có cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Đây là cuộc gặp thứ hai của ông Kim Jong-un và ông Tập Cận Bình trong vòng 40 ngày, sau chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Bắc Kinh hồi cuối tháng 3. Cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Trung - Triều diễn ra trước khi ông Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại khu phi quân sự vào tháng trước.
Giới phân tích Mỹ cho rằng cuộc gặp bất ngờ giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un với Chủ tịch Tập Cận Bình ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đã cho thấy Trung Quốc đóng vai trò quan trọng như thế nào trong các cuộc đàm phán nhằm phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Các nhà phân tích tin rằng các cuộc đàm phán như vậy có thể mang tới “nền hòa bình lâu dài và vững chắc” trên bán đảo Triều Tiên.
Trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Chủ tịch Tập Cận Bình đã ca ngợi “những tiến triển tích cực” trong quan hệ Trung -Triều cũng như tình hình bán đảo Triều Tiên. Ông Tập nói với truyền thông Trung Quốc rằng ông “cảm thấy hài lòng vì điều đó”.
Giới phân tích nhận định cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều hồi cuối tháng 4 đã mở màn cho một loạt cuộc gặp diễn ra sau đó trước khi các bên đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Victor Cha, cựu Giám đốc về các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, nói với SCMP rằng cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in có thể dẫn đến “một loạt các hội nghị thượng đỉnh”, bao gồm hội nghị thượng đỉnh đã được lên kế hoạch từ trước giữa Mỹ và Triều Tiên, thượng đỉnh 3 bên Mỹ - Hàn - Triều và thậm chí cả thượng đỉnh Nga - Triều.
“Nhiều hội nghị thượng đỉnh đồng nghĩa với việc các bên đang đối thoại”, Joseph Yun, cựu đại diện đặc biệt về chính sách Triều Tiên tại Bộ Ngoại giao Mỹ - người từng dẫn đầu các cuộc gặp ngoại giao trực tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên trước khi nghỉ hưu hồi tháng 2, cho biết.
Theo ông Yun, những cuộc gặp như vậy là “bước tiến triển tốt” dẫn tới các cuộc đàm phán về tiến trình phi hạt nhân hóa, khác hoàn toàn với cảnh báo tấn công quân sự phủ đầu nhằm vào Triều Tiên mà Nhà Trắng từng lên kế hoạch chuẩn bị hồi đầu năm nay.
“Chúng tôi không muốn quay trở lại phương án quân sự”, ông Yun cho biết.
Tổng thống Donald Trump sáng 8/5 đã viết trên mạng xã hội Twitter rằng “mối quan hệ và lòng tin đang được xây dựng” trong vấn đề Triều Tiên. Sau đó, ông cũng có cuộc điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình và tiếp tục đề cập tới vấn đề Triều Tiên.
“Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập đã nhất trí về tầm quan trọng của việc tiếp tục thực thi những biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên cho tới khi nước này từ bỏ hoàn toàn các chương trình hạt nhân và tên lửa”, Nhà Trắng thông báo về cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều.
Vai trò của Trung Quốc
Hai nhà lãnh đạo Trung - Triều tản bộ tại Đại Liên (Ảnh: Tân Hoa Xã) |
Theo các nhà phân tích Mỹ, Trung Quốc, đồng minh và là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, có thể bị gạt ra ngoài lề trong bất kỳ cuộc đối thoại song phương nào giữa hai miền Triều Tiên và giữa Triều Tiên với Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh phải là bên tham gia vào các vòng đàm phán chi tiết hơn liên quan tới việc giải giáp kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
“Nếu chúng ta nói đến chủ đề phi hạt nhân hóa, Trung Quốc cần phải đóng vai trò ở đây”, chuyên gia Cha nhận định.
Theo ông Cha, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng như một bên ủng hộ cho Triều Tiên khi Bình Nhưỡng bước vào các cuộc đàm phán và các hội nghị thượng đỉnh.
“Ông Kim Jong-un tới Bắc Kinh với hy vọng Trung Quốc sẽ ủng hộ Triều Tiên”, ông Cha cho biết.
Michael Green, Phó Giám đốc về châu Á và Nhật Bản tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược, cũng đồng tình với quan điểm rằng sự tham gia của Trung Quốc là cần thiết trong bất kỳ cuộc thảo luận chi tiết nào về vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Hơn nữa, theo chuyên gia Green, Trung Quốc luôn xem tiến triển hòa bình trên bán đảo Triều Tiên là lợi thế chiến lược vì sự tiến triển này sẽ làm suy yếu liên minh quân sự giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ông Green cho rằng vai trò của Trung Quốc ngày càng quan trọng hơn, nhưng Mỹ không tin sự xuất hiện của Bắc Kinh là cần thiết trong việc đạt được thỏa thuận với Triều Tiên.
“Chính quyền Trump nghĩ rằng họ có đủ động lực rồi”, ông Green nhận định.
Liên quan tới khả năng diễn ra hội nghị thượng đỉnh 3 bên giữa Mỹ - Triều Tiên - Hàn Quốc, Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại RAND Corporation, cho rằng hội nghị này sẽ góp phần thúc đẩy Mỹ và Hàn Quốc đi đến đồng thuận về cách thức đàm phán trong vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Tổng thống Moon Jae-in dự kiến sẽ tới thăm Mỹ vào ngày 22/5 và có cuộc gặp với Tổng thống Trump tại Nhà Trắng ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Trong hai lần liên tiếp vào tuần trước và tuần này, ông Trump đã tuyên bố với các phóng viên rằng thời gian và địa điểm diễn ra cuộc gặp với ông Kim Jong-un đã được ấn định. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng thông báo hôm qua rằng Ngoại trưởng Mike Pompeo đã tới Bình Nhưỡng để giúp chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Kim Jong-un.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Pompeo đã nói với các phóng viên trên máy bay chở ông tới Triêu Tiên rằng, ông hy vọng có thể chốt chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh, đồng thời đặt ra “một số điều kiện” về đàm phán phi hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên.
Theo Dân trí