Căng thẳng giữa Iran và Israel leo thang bằng việc đấu pháo, tên lửa dữ dội ở khu vực trong và quanh cao nguyên Golan, đe dọa bùng phát chiến tranh toàn diện giữa hai nước.
Xe tăng Merkava Mark IV của Israel ở gần biên giới Syria. Ảnh: AFP |
Hãng Reuters cho biết, sáng sớm 10-5, Israel tố lực lượng Iran ở Syria phóng một tên lửa nhằm vào các căn cứ quân sự của Nhà nước Do Thái tại cao nguyên Golan. Đây là lần đầu tiên Israel trực tiếp cáo buộc Iran tấn công tên lửa nhằm vào căn cứ của họ ở Syria, nơi Tehran đang cùng các chiến binh Shi’ite và quân đội Nga ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến ở quốc gia Trung Đông này.
Trong khi đó, báo chí nhà nước Syria tố rằng, tên lửa của Israel đã tấn công nhiều căn cứ phòng không, 1 căn cứ radar cùng 1 kho đạn dược của nước này, làm gia tăng nguy cơ xung đột leo thang liên quan đến Iran và các đồng minh của Tehran ở khu vực. Israel cũng cho hay, 20 tên lửa Grad và Fajr của Iran đã bị hệ thống phòng thủ Iron Dome (Mái vòm sắt) bắn hạ hoặc không đến được các mục tiêu ở cao nguyên Golan. Israel chỉ đích danh lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) thực hiện các vụ tấn công nói trên. “Tư lệnh lực lượng Quds, Qassem Soleimani, đã chỉ huy và ra lệnh tấn công nhưng không đạt được mục tiêu”, người phát ngôn quân đội Israel - Trung tướng Jonathan Conricus nói. Ông Conricus xác nhận Israel đã phá hủy hàng chục mục tiêu tình báo, hậu cần, kho tàng, phương tiện và địa điểm phóng tên lửa của Iran ở Syria.
Chưa có báo cáo thương vong và chưa rõ Israel hay lực lượng Iran tại Syria - ai tấn công trước. Các động thái trả đũa qua lại diễn ra ngay sau khi Syria tố Israel tấn công một trong những căn cứ quân sự ở Kisweh, phía nam thủ đô Damascus và làm 15 người thiệt mạng, trong đó có 8 người Iran. Căng thẳng cũng xảy ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran - động thái vốn được Israel ủng hộ.
Chiến dịch nói trên ở Syria là một trong những hoạt động quân sự lớn nhất của Israel trong những năm gần đây và là cuộc tấn công lớn nhất nhằm vào các mục tiêu Iran. Trong cuộc họp báo sáng 10-5, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman khẳng định: “Chúng tôi đã tấn công gần như toàn bộ cơ sở hạ tầng của Iran ở Syria”. Ông Lieberman chỉ trích việc Iran đưa các hệ thống chống máy bay đến khu vực biên giới, cho rằng đây là hành động khiêu khích và bằng chứng về ý định thiết lập chính quyền Tehran tại Syria, tạo ra mối đe dọa đối với Israel và sự ổn định của khu vực. “Chúng tôi không muốn căng thẳng leo thang nhưng sẽ không để ai tấn công chúng tôi hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng tấn công chúng tôi trong tương lai”, Bộ trưởng Lieberman nói.
Israel vốn lo ngại Iran và Hezbollah - đồng minh của Tehran thành lập một mặt trận mới ở Syria nhằm chống lại Tel Aviv. Israel thường tổ chức các cuộc không kích tại Syria nhằm ngăn chặn mặt trận này. Hồi tháng trước, sau khi xảy ra vụ tấn công nghi do Israel thực hiện làm 7 binh sĩ Iran thiệt mạng tại một căn cứ không quân ở Syria, Tehran thề trả đũa.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi các bên liên quan kiềm chế. Nga cũng bày tỏ lo lắng. Hãng thông tấn TASS dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov kêu gọi Israel và Iran giảm căng thẳng. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, nhiều khả năng Nga sẽ không tìm cách hạn chế hoạt động quân sự của Israel ở Syria. Hãng Sputnik thậm chí dẫn tuyên bố của Trung tướng Jonathan Conricus rằng, Nga đã được thông báo trước về cuộc tấn công thông qua đường dây liên lạc quân sự giữa Tel Aviv và Mátxcơva. Kênh liên lạc này được thiết lập ngay khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Syria vào tháng 9-2015, nhằm ngăn chặn những va chạm và hành động sai lầm giữa hai bên. Nga được cho là có mối quan hệ tốt với cả Israel lẫn Iran. Vì vậy, để tránh căng thẳng giữa Israel và Iran ở Syria biến thành xung đột thật sự, rất cần vai trò của Mátxcơva.
PHÚC NGUYÊN