Lý do Trung Quốc đang bước vào Syria với rất nhiều tiền

.

Trung Quốc đang tăng cường can dự vào Syria, nhưng không phải bằng quân sự, mà bằng tiền mặt, rất nhiều tiền.

Ngoại trưởng  Trung Quốc Vương Nghị gặp gỡ Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Syria Walid Muallem hồi năm 2017. Ảnh: News.cn
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp gỡ Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Syria Walid Muallem hồi năm 2017. Ảnh: News.cn

Với Bắc Kinh, đất nước Syria tơi tả bởi chiến tranh là cơ hội vàng cho ngành kinh doanh tái thiết xây dựng. Còn với Damascus, thịnh vượng đồng nghĩa với hoà bình.

Trong cuộc gặp gỡ từ một năm trước đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Syria Walid Muallem đã cùng thảo luận về viễn cảnh tái thiết Syria thông qua mối quan hệ đối tác giữa hai nước.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây cũng đã ủng hộ thoả thuận hoà bình do Nga bảo trợ tại Sochi và Antara. Khi Tổng thống Nga Putin kêu gọi một sự chuyển đổi cấp bách của cộng đồng quốc tế sang các nỗ lực ngoại giao nhằm ổn định tình hình Syria và khu vực Trung Đông, Bắc Kinh đã lập tức ủng hộ lời kêu gọi đó bằng một loạt kế hoạch tái thiết đầy tham vọng.

Các công ty Trung Quốc được cho là đang xếp hàng chờ trúng thầu những hợp đồng tái thiết các thị trấn, làng mạc, đường xá, cầu cống, trường học, bệnh viện, mạng lưới viễn thông bị tàn phá sau gần 7 năm chiến tranh loạn lạc tại Syria.

Chiến thắng trong hoà bình

Liên hợp quốc ước tính rằng, tổn thất do chiến tranh đối với cơ sở hạ tầng của Syria lên tới ít nhất là 250 tỉ USD. Và Trung Quốc có thể là đối tác lý tưởng để tái thiết quốc gia này.
 

Nga và Iran chắc chắn đã đóng vai trò sống còn đối với lực lượng của Tổng thống Assad để giành chiến thắng trong cuộc chiến. Nhưng từ lúc này, Trung Quốc mới là nhân tố quan trọng để giành thắng lợi trong hoà bình.

“Các cường quốc phương Tây còn đang do dự giúp Syria tái thiết sau nội chiến. Bởi họ nghĩ bên sai lầm đã chiến thắng”, tờ Bloomberg viết.

Theo đài RT của Nga, dường như Mỹ và EU đang cố tình "găm giữ" tiền để làm một đòn bẩy gây áp lực tới “cuộc chuyển giao chính trị” tại Syria, mà nói trắng ra là "thay đổi chế độ". Phương Tây ủng hộ lực lượng đối lập lật đổ Tổng thống Assad, nhưng họ đã thất bại. Lúc này, khi không thể đạt thắng lợi về quân sự, họ đang cố gắng thể hiện quyền lực bằng cách ép buộc về tài chính.

Người Syria đưa các em nhỏ ra khỏi đống đổ nát ở Aleppo hồi năm 2016. Ảnh: Getty Images
Người Syria đưa các em nhỏ ra khỏi đống đổ nát ở Aleppo hồi năm 2016. Ảnh: Getty Images

RT cho rằng, nếu luật pháp quốc tế được áp dụng một cách công bằng, Mỹ và các đồng minh nên chịu trách nhiệm chi trả cho các tổn thất chiến tranh liên quan đến vai trò của họ ở Syria. Nhưng không may là, một kết quả hợp lý và công bằng đó sẽ khó xảy ra, chiểu theo “tiêu chuẩn kép” mà phương Tây vẫn áp dụng.

Nhưng trong bất cứ trường hợp nào, theo đại diện Nga tại Syria, Alexander Lavrentiev, sự liên quan của phương Tây trong công cuộc tái thiết Syria cũng không quan trọng. Bởi đã có nhiều nguồn cung cấp vốn thay thế khác, chủ yếu là Trung Quốc.

Syria, nút giao chiến lược 

Sự can dự của Trung Quốc tại Syria trùng khớp hoàn hảo với đại chiến lược toàn cầu “Một vành đai, một con đường” của nước này. Về mặt lịch sử, Syria là một nút quan trọng trong Con đường Tơ lụa cổ xưa, trải dài từ Trung Quốc ngang qua châu Á tới châu Âu và châu Phi. Ngày nay, vị trí của Syria vẫn nằm trên ngã ba đường chiến lược giữa châu Á, Âu, Phi và chưa bao giờ kém quan trọng đi.

Trong tuần vừa qua, Trung Quốc đã chủ trì cuộc họp của người đứng đầu các Uỷ ban an ninh của các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Bắc Kinh. Chủ tịch Tập Cận Bình cùng với quan chức an ninh hàng đầu Nga, ông Nikolai Patrushev, được cho là đã nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác, coi an ninh làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế trong không gian Á-Âu và xa hơn nữa.

Đó là lý do tại sao Trung Quốc đang coi Syria là một ưu tiên cấp bách. Nếu không có an ninh và ổn định ở Trung Cận Đông, hầu hết các kế hoạch toàn cầu của Trung Quốc nhằm làm sống lại Con đường Tơ lụa sẽ đối mặt rủi ro.

Em bé Syria trong một bệnh viện dã chiến ở Đông Ghouta. Ảnh: AFP
Em bé Syria trong một bệnh viện dã chiến ở Đông Ghouta. Ảnh: AFP

Đầu tháng 5 này, đặc phái viên của Trung Quốc về Syria, Xie Xiaoyan, đã phát biểu với truyền thông Nga rằng, hai nước đang phối hợp chặt chẽ về “thúc đẩy tiến trình chính trị và tái thiết thời hậu chiến Syria”. Ông cho biết, sự hợp tác giữa Moskva và Bắc Kinh nhằm đảm bảo tương lai Syria là một phần của quan hệ “đối tác chiến lược” đã được củng cố những năm gần đây dưới thời nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.

Người ta cũng có thể phỏng đoán rằng, Nga và Trung Quốc đang phối hợp nhịp nhàng, nhưng kín đáo, nhằm theo đuổi hoà bình tại Syria. Quyền lực quân sự của Nga đã đóng vai trò then chốt trong việc kết thúc bạo lực tại Syria. Nhưng lúc này mới là lúc Trung Quốc gánh lấy vai trò chuyển biến tình hình bạo lực đã lắng xuống đó thành một nền hoà bình lâu dài và ổn định hơn thông qua các kế hoạch tái thiết và vực dậy kinh tế. Cả Trung Quốc, Nga, Iran, Ấn Độ và các nước khác đều đang sẵn sàng giành lấy những cơ hội béo bở từ tái thiết Syria.

Tổng thống Assad đã công khai tuyên bố rằng, các nước phương Tây và đồng minh trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia sẽ không được trao bất cứ cơ hội nào để thu lợi nhuận từ tương lai của Syria. Ông Assad đang hướng cái nhìn sang phía Đông. 

Về phần mình, mang hoà bình đến cho Syria là hòn đá tảng trong các kế hoạch phát triển kinh tế toàn cầu mà Trung Quốc và Nga đang ủng hộ, trải dài xuyên lục địa từ Vladivostok tới Lisbon, xuống tới Trung Đông và châu Phi.

Còn đó những lo ngại

Tuy vậy vẫn có nhiều mối quan ngại về an ninh đối với công dân Trung Quốc và Nga tại Syria do còn hàng ngàn chiến binh đe doạ quay trở lại quốc gia này. Ước tính có khoảng 5.000 tay súng Duy Ngô Nhĩ từ Trung Quốc đã tham chiến tại Syria.

Phiến quân Syria đang tập luyện ở tỉnh Idlib trong ảnh tư liệu của AP.
Phiến quân Syria đang tập luyện ở tỉnh Idlib trong ảnh tư liệu của AP.

Mặc khác, nếu nền an ninh và hoà bình của Syria được thiết lập một cách mong manh, quốc gia này có thể trở thành nơi ươm mầm nguy hiểm cho chủ nghĩa khủng bố từ khắp khu vực Á –Âu, và một lần nữa đặt các kế hoạch kinh tế tham vọng của Trung Quốc vào vòng nguy hiểm.

Đài RT nhận định, cùng với việc áp đặt lệnh cấm vận chống Syria và trì hoãn đầu tư tái thiết, còn nhiều dấu hiệu khác cho thấy Mỹ, Pháp và các đồng minh NATO đang tìm cách mở rộng áp lực quân sự nhằm chia tách Syria thành các khu vực bị chiếm đóng. Có nguồn tin cho hay, Pháp đã gia tăng lực lượng quân sự tham gia cùng các lực lượng Mỹ ở miền bắc Syria.

Trung Quốc, giống như Nga và Iran, đã không "đổi chác" với các yêu cầu của phương Tây về một “cuộc chuyển giao chính trị” tại Damascus. Theo họ, đó là vấn đề chủ quyền mà người dân Syria phải tự quyết định mà không có sự can thiệp từ bên ngoài. 

Nhưng nếu Trung Quốc bước vào Syria với lợi thế kinh tế tài chính của mình, thì sự cô lập của phương Tây đối với quốc gia Trung Đông này sẽ là một thất bại lớn tiếp theo. Khi đó, Bắc Kinh có thể biến sự tàn phá chiến tranh thành một cơ hội đáng giá.
 
Theo Báo Tin tức
;
.
.
.
.
.
.