Tuần dương hạm Antietam và khu trục hạm Higgins của Hải quân Mỹ vừa tiến vào khu vực 12 hải lý quanh một loạt đảo ở Biển Đông.
Tuần dương hạm Antietam của Hải quân Mỹ. Ảnh: AP |
Theo Reuters, việc các tàu chiến Mỹ áp sát các Đảo Cây, Đảo Lincon, Đảo Tri Tôn và Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa [của Việt Nam-ND] là nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm phản đối Trung Quốc hạn chế quyền tự do đi lại ở khu vực mang ý nghĩa chiến lược này.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, dù được lên kế hoạch trước đó hàng tháng và mang tính chất thường xuyên, chiến dịch nhằm đảm bảo “quyền tự do hàng hải” của Mỹ diễn ra vào thời điểm “cực kỳ nhạy cảm” khi chỉ vài ngày trước đó, Lầu Năm Góc đã quyết định rút lời mời Trung Quốc tham gia tập trận Hải quân RIMPAC thường niên.
Tuy nhiên, cũng đã có một số chuyên gia chỉ trích các chiến dịch nói trên của Mỹ với lý do, những chiến dịch này “không tác động nhiều đến hành vi của Trung Quốc” và chủ yếu mang tính biểu tượng.
Trong khi đó, giới chức quân đội Mỹ từ lâu vẫn duy trì quan điểm rằng, các tàu của Hải quân Mỹ có quyền tự do đi lại tại các vùng biển quốc tế và hoạt động này hoàn toàn không mang tính chất chính trị.
Tuyên bố từ Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ nêu rõ: “Chúng tôi đang tiến hành các Chiến dịch đảm bảo quyền tự do đi lại mang tính thường xuyên và liên tục như chúng tôi vẫn làm trong quá khứ và vẫn sẽ làm như vậy trong tương lai”.
Trước đó, các hình ảnh vệ tinh của Mỹ ngày 12-5 cho thấy Trung Quốc đã điều các loại xe tải mang tên lửa đất đối không và đối hạm ra đảo Phú Lâm. Hồi đầu tháng này, Không quân Trung Quốc cũng đã đưa máy bay ném bom ra các đảo nhân tạo mà nước này cải tạo trái phép ở Biển Đông để tham gia một cuộc tập trận quân sự.
Trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam đối với cuộc tập trận này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 21/5 khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Việc Trung Quốc cho máy bay ném bom tiến hành các hoạt động diễn tập cất, hạ cánh trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), làm gia tăng căng thẳng, gây bất ổn trong khu vực và không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động nêu trên, không được tiến hành quân sự hóa, nghiêm túc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, tuân thủ nghiêm túc Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), tạo bầu không khí thuận lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực”.
Theo VOV