Mỹ - Trung cam kết giải quyết mâu thuẫn thương mại

.

Kết thúc 2 ngày đàm phán về tranh chấp thương mại, mặc dù đạt được đồng thuận trong một số vấn đề nhưng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn nhiều bất đồng tương đối lớn, hai bên cam kết tiếp tục giải quyết xung đột thông qua đối thoại.

Trung Quốc đang tìm cách bắt kịp các đối thủ như Mỹ và Đức trong lĩnh vực công nghệ cao bằng cách rót hàng tỷ USD vào chiến lược “made in China 2025”. Trong ảnh: Khách đến tham quan một gian hàng tại triển lãm ô-tô Trung Quốc năm 2018 ở Bắc Kinh. Ảnh: AP
Trung Quốc đang tìm cách bắt kịp các đối thủ như Mỹ và Đức trong lĩnh vực công nghệ cao bằng cách rót hàng tỷ USD vào chiến lược “made in China 2025”. Trong ảnh: Khách đến tham quan một gian hàng tại triển lãm ô-tô Trung Quốc năm 2018 ở Bắc Kinh. Ảnh: AP

Ngày 4-5, trước khi bước vào ngày đàm phán thứ hai tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Chủ tịch đoàn đàm phán Steven Mnuchin cho biết, đoàn của ông đã có những trao đổi rất tích cực. Cùng với đó, trong một sự kiện tại Washington, ông Mark Calabria, cố vấn kinh tế của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng nhận định, ngày đàm phán đầu tiên “khá tích cực”.

Ông Calabria cho biết, Mỹ đã trao cho Trung Quốc “một danh mục chi tiết các vấn đề”, đồng thời nói thêm Washington muốn Bắc Kinh hạ mức thuế quan ngang bằng với mức thuế của Mỹ. Tổng thống Donald Trump đã “dặn trước” phái đoàn thương lượng luôn phải giữ vững yêu cầu chủ đạo về sự “có qua có lại” trong khi đàm phán với Trung Quốc.

Dẫu thế, một thỏa thuận đột phá có thể làm thay đổi cơ bản các chính sách kinh tế của Trung Quốc với Mỹ là điều không thể kỳ vọng trong chuyến công tác 2 ngày của phái đoàn Mỹ. Tuy nhiên, có thể chờ đợi khả năng phía Trung Quốc có những biện pháp ngắn hạn nhằm trì hoãn quyết định áp thuế của Mỹ với khoảng 50 tỷ USD giá trị hàng Trung Quốc xuất khẩu.

Tất nhiên phía Mỹ không phải không có những ngờ vực về đối tác, như ông Calabria chia sẻ với hãng tin AFP: “Cái khó là chúng tôi sẽ mất phần lớn thời gian để nghe những điều khá tích cực từ Trung Quốc và câu hỏi luôn là liệu họ có thực sự làm như vậy không”.

Dưới sự điều hành của hai chủ tọa là ông Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc - người được coi là cánh tay phải của Chủ tịch Tập Cận Bình trong các vấn đề kinh tế, hai bên kỳ vọng cùng nhau giải quyết hàng loạt bức xúc của Mỹ về các hoạt động thương mại của Trung Quốc, từ việc Trung Quốc ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ, đến những khoản trợ cấp chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ…

Truyền thông nhà nước Trung Quốc không mấy lạc quan về những kết quả đột phá ở lần đàm phán này. Bài xã luận đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo số ra ngày 4-5, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng căng thẳng gia tăng cho thấy sự khác biệt đáng kể và rất khó để hai bên có thể vui vẻ cùng rời bàn nghị sự. Tờ báo này cũng dự đoán về thế bế tắc khó thông của tiến trình đàm phán: “Nếu hai bên không đạt được một thỏa thuận và chỉ đồng ý tiếp tục đối thoại, chúng ta cũng nên coi đó là một kết quả tích cực”.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) cho rằng, việc phái đoàn thương mại của Mỹ đến Bắc Kinh cho thấy Washington “đã xúc tiến các bước hành động nhằm tránh một cuộc chiến thương mại rất lớn”. Cũng như Nhân dân Nhật báo, tờ Thời báo Hoàn Cầu cho rằng rất khó để đạt được thỏa thuận, nhưng “có đàm phán vẫn hơn không”.

Đàm phán thương mại Mỹ - Trung diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa áp thuế với 150 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh “phản pháo” với danh mục trị giá 50 tỷ USD hàng hóa nhập từ Mỹ. Giới quan sát cũng cho rằng, những biện pháp tăng thuế mới của Washington, vốn sẽ dẫn tới các đòn “ăn miếng, trả miếng” của Bắc Kinh, chắc chắn gây tổn hại cho người tiêu dùng Mỹ và có thể không làm thay đổi cán cân thương mại hiện tại.

Trong những tháng tới, quan hệ thương mại song phương giữa hai bên có thể sẽ bị ảnh hưởng đáng kể khi người tiêu dùng ở cả Mỹ lẫn Trung Quốc đã phải tính toán những kế hoạch chi tiêu dè dặt hơn để tránh mức thuế quan mới cao hơn. Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn tin riêng cho biết, Trung Quốc hầu như đã dừng nhập khẩu đậu nành từ Mỹ.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.
.