Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro được kỳ vọng tái đắc cử nhiệm kỳ hai trong cuộc bầu cử ngày 20-5 (giờ địa phương) và sẽ chèo lái quốc gia Nam Mỹ này vượt qua khủng hoảng.
Tổng thống Nicolas Maduro sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức nếu tái đắc cử. Ảnh: Reuters |
Cuộc bầu cử tổng thống Venezuela diễn ra vào ngày 20-5 với sự tham gia tranh cử của đương kim Tổng thống Nicolas Maduro, đại diện liên minh cánh tả Mặt trận Tổ quốc mở rộng và các ứng cử viên đối lập: cựu Thống đốc bang Lara Henri Falcon, nhà truyền giáo Javier Bertucci... Liên minh đối lập lớn nhất là Bàn đoàn kết dân chủ (MUD) tuyên bố tẩy chay bầu cử vì cho rằng không bảo đảm một tiến trình minh bạch.
Các cuộc thăm dò trước cuộc bầu cử cho thấy, Tổng thống Maduro luôn dẫn đầu. Phát biểu trước những người ủng hộ tại trung tâm thủ đô Caracas, ông Maduro cam kết trung thành với cuộc cách mạng Bolivar, đồng thời đưa ra những thay đổi kinh tế chiến lược. Ông kêu gọi các bên tham gia đối thoại toàn quốc để tìm kiếm thỏa thuận khôi phục kinh tế, tìm biện pháp thúc đẩy tăng trưởng và bảo vệ nền kinh tế quốc gia. “Tôi nhìn thấy tương lai của Venezuela và một chiến thắng lịch sử đang chờ đợi chúng ta”, ông Maduro nói.
Hãng AFP dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, cuộc bầu cử tổng thống Venezuela diễn ra trong bối cảnh nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu của Mỹ Latinh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là cuộc khủng hoảng sâu sắc hiện nay xuất phát từ âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trong nước và áp lực từ bên ngoài. Nhiều cuộc thăm dò cho thấy, người dân Venezuela đổ lỗi cho Tổng thống Maduro về những rắc rối của đất nước như: tình trạng siêu lạm phát (ở mức 13,7% trong năm 2017), khan hiếm thực phẩm và thuốc men, sự trở lại của dịch bệnh, di cư ồ ạt… Song, ông Maduro vẫn được kỳ vọng sẽ giành chiến thắng và có thêm nhiệm kỳ 6 năm.
Ứng viên độc lập Henri Falcon - đối thủ chính của ông Maduro - thuyết phục những người hoài nghi về chính phủ đương nhiệm tẩy chay bầu cử, theo lời kêu gọi của MUD. Ông Falcon cam kết nếu đắc cử sẽ nỗ lực để “đô-la hóa” tiền lương, chấp nhận viện trợ nhân đạo và tìm kiếm sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - những điều vốn bị ông Maduro bác bỏ.
Ngày 18-5, chính phủ Mỹ đưa ông Diosdado Cabello - nhân vật số 2 của đảng Xã hội Chủ nghĩa thống nhất (PSUV) cầm quyền, đồng minh then chốt của Tổng thống Maduro - vào danh sách các quan chức hàng đầu bị trừng phạt về tài chính, với cáo buộc liên quan đến các hoạt động buôn bán ma túy và tham nhũng. Chính phủ Venezuela cáo buộc Mỹ muốn phá hoại cuộc bầu cử tổng thống của Caracas. Theo ông Maduro, chính lệnh trừng phạt gần đây của Mỹ đối với ngành tài chính Venezuela đẩy kinh tế nước này rơi vào khủng hoảng kể từ năm 2014 đến nay.
Ông Maduro nhậm chức hồi tháng 4-2013 sau khi người tiền nhiệm Hugo Chavez qua đời. Chiến lược của ông là củng cố di sản của cố Tổng thống Hugo Chavez, đưa nền kinh tế của đất nước có nguồn dự trữ dầu mỏ lớn nhất thế giới đến sự thịnh vượng. Tuy nhiên, nếu ông tái đắc cử, thách thức về đối nội và đối ngoại đặt ra cũng rất lớn, khi Venezuela đang đối mặt với tình trạng siêu lạm phát, cùng “cuộc chiến tranh kinh tế” do Mỹ dẫn đầu, mặc dù Nga và Trung Quốc vẫn là những đồng minh lớn của Caracas.
VĨNH AN