Tính toán của Trump khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran

.

Tổng thống Mỹ tin rằng chính quyền Iran sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ lệnh cấm vận nhưng không dám phát triển thêm chương trình hạt nhân.

Với Tổng thống Mỹ Donald Trump và hai đồng minh được ông coi trọng nhất là Israel và Arab Saudi, vấn đề với thỏa thuận hạt nhân Iran không phải về vũ khí hạt nhân. Sự "tồi tệ" của thỏa thuận này là nó thừa nhận chính quyền hiện nay của Iran, cho phép họ tái hòa nhập với nền kinh tế thế giới để có nguồn thu từ dầu mỏ trang trải cho các hoạt động quân sự ở Syria và Iraq cũng như chương trình tên lửa của mình, theo NYTimes.

Khi thông báo hôm 8-5 rằng Mỹ sẽ rút khỏi Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) và tái áp đặt các lệnh cấm vận kinh tế với Iran cũng như những công ty làm ăn với quốc gia này, Trump đang đặt cược vào một canh bạc lớn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, bình luận viên David E. Sanger và David D. Kirkpatrick nhận định.

JCPOA được ký giữa Iran với 6 cường quốc gồm Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Nga Trung Quốc vào năm 2015, sau nhiều năm đàm phán ngoại giao, trong đó Tehran đồng ý hạn chế đáng kể chương trình hạt nhân để đổi lại việc Washington dỡ bỏ các lệnh cấm vận áp đặt với nước này.

Với tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này, Trump và các đồng minh ở Trung Đông tin rằng họ có thể cắt đứt huyết mạch kinh tế của Iran và "phá vỡ chế độ" ở quốc gia này, theo một quan chức cấp cao châu Âu. Khi bị tái áp đặt lệnh cấm vận, Iran sẽ mất đi nguồn thu quan trọng từ xuất khẩu dầu mỏ, trong khi các công ty nước ngoài làm ăn với họ có thể hứng chịu lệnh trừng phạt nặng nề từ Mỹ.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran trong một cuộc diễu binh ở Tehran. Ảnh: PressTV.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran trong một cuộc diễu binh ở Tehran. Ảnh: PressTV.

Về lý thuyết, sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA, Iran sẽ được tự do chế tạo vật liệu hạt nhân và có thể tiến tới sở hữu vũ khí hạt nhân nhằm răn đe những "hành động thù địch" từ phía Mỹ và các đồng minh ở Trung Đông.

Tuy nhiên, đội ngũ cố vấn của Trump tính toán rằng Iran sẽ không có đủ sức mạnh kinh tế để đối đầu với cả Mỹ, Israel và Arab Saudi cùng một lúc. Lãnh đạo Iran cũng biết rõ rằng bất cứ động thái sản xuất thêm vật liệu hạt nhân nào cũng sẽ tạo cớ cho Mỹ và Israel tung đòn đánh phủ đầu.

Các đồng minh ở châu Âu của Mỹ từng cảnh báo rằng những tính toán chính trị kiểu thực dụng như vậy sẽ là sai lầm lịch sử, có thể dẫn tới tình trạng đối đầu, thậm chí là chiến tranh ở Trung Đông.

Theo các quan sát viên, người tiền nhiệm của Trump là Barack Obama cũng từng mắc sai lầm khi áp dụng chính sách thực dụng như vậy với Iran trong ký kết thỏa thuận hạt nhân vào năm 2015.

Lúc đặt bút ký JCPOA, Obama đã coi Iran như một đồng minh nhiều tiềm năng hơn so với các quốc gia láng giềng do người Sunni chiếm đa số ở Trung Đông. Quốc gia này có nền dân số trẻ, được giáo dục theo phong cách phương Tây, nên Obama kỳ vọng rằng họ sẽ đem lại những thay đổi lớn lao cho Iran.

Chính quyền Obama khi đó nêu quan điểm rằng bằng cách gạt bỏ vấn đề vũ khí hạt nhân, Mỹ và Iran có thể gác lại ba thập kỷ thù địch và cùng hợp tác trong những dự án chung, khởi đầu bằng việc đánh bại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Nhưng mọi việc diễn ra không như Obama dự tính. Dù JCPOA được thực hiện thành công với 97% vật liệu hạt nhân được đưa ra khỏi Iran, giới bảo thủ và quân sự ở Tehran khước từ mọi ý tưởng hợp tác với phương Tây.

Vài tháng trước khi bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra năm 2016, quân đội Iran tăng cường ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria, mở rộng ảnh hưởng ở Iraq và gia tăng ủng hộ các lực lượng dân quân thân Tehran. Họ cũng tăng gấp đôi các cuộc tấn công mạng nhắm vào phương Tây và Arab Saudi.

Ngay sau khi nhậm chức, Trump tuyên bố JCPOA là một "thảm họa" và cam kết sẽ chấm dứt thỏa thuận này. Gần hai năm sau, Trump thực hiện lời hứa, bất chấp những phản đối từ các đồng minh châu Âu.

Sau khi Trump ra thông báo rút khỏi JCPOA với những lời lẽ cáo buộc Iran "gian lận" trong thỏa thuận, Thủ tướng Anh Theresa May, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel lập tức ra tuyên bố đáp trả quyết liệt.

Lãnh đạo ba nước châu Âu này đều cho rằng nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2016 về thỏa thuận hạt nhân Iran "vẫn là khung pháp lý quốc tế mang tính ràng buộc để giải quyết tranh chấp về chương trình hạt nhân Iran".

Đây được coi là ngôn từ mang tính ngoại giao cho một kết luận đầy quả quyết rằng Mỹ mới là bên vi phạm thỏa thuận trước, chứ không phải Iran.

Với quyết định này của Trump, thế giới đột nhiên quay trở lại điểm xuất phát vào năm 2012, trên con đường đối đầu đầy bất trắc ở Trung Đông, với "rất ít bằng chứng về kế hoạch B", theo lời Ngoại trưởng Anh Boris Johnson trong một chuyến thăm tới Washington.

Trump và các cố vấn của mình không thể đảm bảo rằng trước nguy cơ thỏa thuận hạt nhân đổ vỡ, Iran sẽ phát động một cuộc chiến ở Trung Đông để đáp trả, đồng thời tăng tốc chương trình hạt nhân của mình, theo bình luận viên Aaron Blake của Washington Post. "Vấn đề với những tính toán kiểu đánh cược này là dù tỷ lệ thua nhỏ đến đâu, khi bạn đặt cược càng nhiều, hậu quả nếu thua sẽ càng lớn", Blake nói.

Nguy cơ nổ ra một cuộc chiến ở Trung Đông do Iran phát động là rất nhỏ, nhưng nếu nó thực sự xảy ra, tình hình ở khu vực này sẽ trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. Với sự hiện diện của nhiều cường quốc tại đây, một cuộc xung đột nữa ở Trung Đông có thể khiến tình hình thế giới leo thang lên một mức độ căng thẳng mới.

Các nhà phân tích cho rằng cốt lõi trong quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Trump là lời cáo buộc rằng Obama đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi nhất trí với một thỏa thuận sẽ hết hiệu lực trong 10-15 năm tới. Trump luôn cho rằng Iran không bao giờ được phép tích trữ đủ vật liệu hạt nhân để chế tạo bom nguyên tử.

Nhưng khi các đồng minh châu Âu đề xuất mở lại các cuộc đàm phán với Iran, Trump lại quay ra phản đối và thay vào đó quyết định hủy bỏ toàn bộ thỏa thuận.

Theo Sanger và Kirkpatrick, đây là một trong những hành động điển hình của Trump, giống như thời ông quyết phá sập các tòa nhà ở New York để xây lên những công trình to lớn, hoành tráng hơn. Nhưng trong trường hợp này, quyết định của ông có thể gây ra những hậu quả lâu dài ảnh hưởng tới thế cân bằng quyền lực toàn cầu.

Theo VnExpress

;
.
.
.
.
.
.