Tổng thống Hàn Quốc mang sứ mệnh "thuyết khách"

.

Trong chuyến thăm Mỹ và gặp gỡ Tổng thống Donald Trump ngày 22-5 (giờ Washington), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mang sứ mệnh thuyết phục ông chủ Nhà Trắng tiếp tục đàm phán hòa bình với CHDCND Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) muốn thuyết phục người đồng cấp Mỹ Donald Trump đàm phán hòa bình với CHDCND Triều Tiên.  Ảnh: AP
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) muốn thuyết phục người đồng cấp Mỹ Donald Trump đàm phán hòa bình với CHDCND Triều Tiên. Ảnh: AP

Hãng Bloomberg dẫn lời GS. Moon Chung-in tại Viện Nghiên cứu Thống nhất (Đại học Yonsei), cố vấn đặc biệt của Tổng thống Moon Jae-in cho rằng, nhà lãnh đạo Hàn Quốc có thể làm trung gian hòa giải giữa Tổng thống Donald Trump và ông Kim Jong-un. “Mục tiêu của ông ấy (Tổng thống Moon Jae-in) là thu hẹp khoảng cách nếu có giữa ông Trump và ông Kim về phạm vi, nội dung, phương pháp và thời gian phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên”, GS. Moon Chung-in nói.

Việc CHDCND Triều Tiên hủy hội đàm cấp cao với Hàn Quốc dự kiến vào ngày 16-5 tại làng đình chiến Panmunjom, đồng thời cảnh báo hủy hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều nhằm phản đối cuộc tập trận chung Thần Sấm (Max Thunder) của Washington và Seoul khiến dư luận thế giới hoài nghi về khả năng diễn ra cuộc gặp gỡ giữa ông Donald Trump và ông Kim Jong-un tại Singapore vào ngày 12-6 tới. Là người nỗ lực kiến tạo hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Moon Jae-in phải thuyết phục được người đứng đầu Nhà Trắng rằng, cần tiến hành hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Theo Bloomberg, điểm mấu chốt lớn nhất dường như là sự khác biệt trong định nghĩa “phi hạt nhân hóa”. Các quan chức Mỹ luôn muốn CHDCND Triều Tiên chấp nhận “giải giáp hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”; còn với Bình Nhưỡng, cụm từ này hàm ý về một quá trình lâu dài, trong đó có việc giảm sự hiện diện của Mỹ ở khu vực.

Chuyên gia Yoo Hoyeol giảng dạy tại Đại học Korea ở Hàn Quốc cho rằng, Tổng thống Moon jae-in sẽ đề xuất một kế hoạch thỏa hiệp giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên và đây là kế hoạch thứ hai, không như đề xuất ban đầu, với nội dung hoãn tiến trình phi hạt nhân hóa, chia tiến trình này thành nhiều bước. Bước đầu ông Moon đã thuyết phục được Mỹ tạm thời không sử dụng biện pháp quân sự với CHDCND Triều Tiên, nhưng sẽ không dễ làm thay đổi những mong muốn khác nhau của Washington và Bình Nhưỡng.

Hãng Yonhap dẫn lời một quan chức Nhà Xanh rằng, ông Moon sẽ có thể đề cập với ông Trump về những gì CHDCND Triều Tiên mong muốn và không mong muốn. Ông Moon muốn “ngồi ghế lái” trong cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, GS. khoa học chính trị Robert Kelly tại Đại học Quốc gia Pusan nhận định, dường như chính phủ của Tổng thống Moon đã thổi phồng ý định sẵn sàng đàm phán của CHDCND Triều Tiên để thúc đẩy Tổng thống Mỹ vào con đường ngoại giao.

Theo AP, trong không khí mơ hồ về đàm phán Mỹ - Triều, nếu Tổng thống Trump chọn cách thỏa thuận trực tiếp với Trung Quốc, đồng minh lớn của CHDCND Triều Tiên, để giải quyết vấn đề khủng hoảng hạt nhân, đương nhiên Hàn Quốc sẽ mất tiếng nói. Vì vậy, chính phủ Hàn Quốc kỳ vọng cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Moon Jae-in và Tổng thống Donald Trump lần này sẽ đóng vai trò là cầu nối, góp phần mang tới thành công cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, như nhận định của Phó Giám đốc Văn phòng An ninh quốc gia thuộc Phủ Tổng thống Hàn Quốc Nam Gwan-pyo.

Theo báo The Telegraph của Anh, các nhà quan sát lo ngại mô hình Libya là rào cản cho cuộc gặp giữa ông Donald Trump và ông Kim Jong-un. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton - kiến trúc sư của thỏa thuận Libya cho rằng, mô hình Libya chính là hình mẫu mà CHDCND Triều Tiên và Mỹ cần hướng tới trong cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore. Mô hình này là giải giáp hạt nhân hoàn toàn để đổi lấy cam kết hội nhập kinh tế. Trong khi đó, CHDCND Triều Tiên không muốn so sánh một quốc gia hạt nhân với Libya - nước mới chỉ ở giai đoạn đầu phát triển vũ khí hạt nhân.

Trong một phát biểu cứng rắn ngày 21-5 (giờ Washington), Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cảnh báo, Triều Tiên sẽ có kết cục tương tự Libya nếu không đạt được thỏa thuận hạt nhân với Washington, đồng thời cho biết ông chủ Nhà Trắng có thể rút khỏi hội nghị thượng đỉnh với Bình Nhưỡng. Song, ông Chung Eui-yong, Giám đốc An ninh quốc gia thuộc Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết, 99,9% khả năng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ vẫn được tiến hành theo kế hoạch.

Ngày 22-5, tàu USS Milius, một trong những tàu khu trục có tên lửa dẫn đường tiên tiến nhất của Mỹ, đến căn cứ hải quân Yokosuka tại Nhật Bản nhằm tăng cường khả năng phòng vệ chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào của CHDCND Triều Tiên hay một nước nào khác ở Đông Á. Hãng Reuters nhận định: Việc đưa USS Milius đến Nhật Bản đặt ra khả năng Mỹ có thể chọn giải pháp gây áp lực quân sự để buộc CHDCND Triều Tiên ngừng chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.