Triều Tiên để ngỏ khả năng đối thoại với Mỹ

.

CHDCND Triều Tiên vẫn để ngỏ khả năng đối thoại với Mỹ, sẵn sàng cho Washington thêm thời gian và cơ hội, sau khi Tổng thống Donald Trump hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh cùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un sẽ không diễn ra vào ngày 12-6 tại Singapore như dự kiến.  Ảnh: Reuters
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un sẽ không diễn ra vào ngày 12-6 tại Singapore như dự kiến. Ảnh: Reuters

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA ngày 25-5 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Kim Kye-gwan tuyên bố, CHDCND Triều Tiên đánh giá quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump là “vô cùng đáng tiếc”. Song, ông Kim Kye-gwan khẳng định, Bình Nhưỡng vẫn mở cửa cho đối thoại, mở cửa cho mọi ý định giải quyết bất đồng “vào bất kỳ thời điểm nào và với bất kỳ hình thức nào”.

Bức thư của Tổng thống Donald Trump thông báo về quyết định hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore vào ngày 12-6 dẫn đến phản ứng thất vọng, bối rối và cả lo ngại của các nhà lãnh đạo thế giới. Tổng thống Trump dẫn lý do là vì “những tuyên bố phẫn nộ và công khai thù địch” gần đây nhất của chính quyền Bình Nhưỡng. Nhưng sau đó, ông Trump nói rằng, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều vẫn có thể diễn ra. Tuy nhiên, ông cũng xới lại vấn đề về hành động quân sự ứng phó với Triều Tiên và cam kết gia tăng các lệnh trừng phạt kinh tế. Những thông điệp phức tạp liên tiếp được đan cài trong một chiêu thức ngoại giao vốn bị cho là thiếu thực tiễn ngay từ khi bắt đầu. Đó là vào thời điểm đầu tháng 3-2018, khi ông Trump bất ngờ nhận lời mời của ông Kim Jong-un về một cuộc gặp song phương, nhưng khá nhiều ngày sau đó, Bình Nhưỡng thậm chí không công khai thừa nhận về lời mời này.

Khi ngày 12-6 đang đến gần, các quan chức Mỹ và CHDCND Triều Tiên bắt đầu nhận ra lập trường khác biệt sâu sắc giữa hai bên. Tuần trước, các quan chức Triều Tiên không xuất hiện trong cuộc gặp theo kế hoạch với phái đoàn Mỹ tại Singapore khiến nhóm công tác Nhà Trắng, dẫn đầu là Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng Joe Hagin, cảm nhận được ít nhiều bất ổn.

Nhà Trắng dường như đã chuẩn bị chưa tốt cho một cuộc đàm phán dài hơi và phức tạp với CHDCND Triều Tiên, có thể vì lẽ đó họ bắt đầu có những suy tính khác. Đến ngày 24-5, sau khi nữ Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui gọi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence là “con rối chính trị” và đe dọa “đối đầu bằng hạt nhân”, Nhà Trắng dường như có thêm cơ sở để quyết định dứt khoát hơn về cuộc gặp.

Một điều đáng lưu ý khác nữa là nhiều giờ trước tuyên bố của ông Trump, CHDCND Triều Tiên đã hủy bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri nhằm “dọn đường” cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều. Đến ngày 25-5, Triều Tiên công bố hình ảnh phá bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Song, những động thái này trở nên vô nghĩa khi hội nghị thượng đỉnh - sự kiện đang được mong đợi bỗng nhiều khả năng bị “chết yểu”. Hàng loạt căng thẳng phát sinh trong thời gian ngắn có lẽ là một phần nguyên nhân khiến Tổng thống Trump hủy cuộc gặp lịch sử này.

Trong bức thư của ông Trump gửi nhà lãnh đạo Triều Tiên, người ta cũng thấy Tổng thống Mỹ có sự pha trộn giữa cảm xúc tiếc nuối và cả thông điệp răn đe, rằng Bình Nhưỡng sẽ thua nếu thực sự xảy ra cuộc đối đầu hạt nhân với Mỹ. Giống như “phong cách” thường thấy trong cách hành xử của ông Trump với ông Kim, người đứng đầu Nhà Trắng vẫn thường liên tục đi dây giữa hai bờ “hữu hảo” và “hiếu chiến”. Với ông Trump, người luôn tự hào về năng lực đàm phán, quyết định hủy bỏ cuộc gặp làm dấy lên những hoài nghi về việc ông sẽ ứng xử như thế nào với nhà lãnh đạo Triều Tiên trong thời gian tới.
Hàn Quốc rõ ràng không được báo trước về quyết định nói trên. Hẳn Tổng thống Moon Jae-in không chỉ thấy “khó hiểu”, “thất vọng” mà còn đặc biệt phiền lòng khi quyết định này được công bố đúng một ngày sau khi ông từ Nhà Trắng trở về Seoul.

Dĩ nhiên, việc ông Trump hủy bỏ hội đàm Mỹ - Triều khiến cả thế giới nuối tiếc cho bán đảo Triều Tiên, nhưng có lẽ ngoài hai “nhân vật chính”, người dân Hàn Quốc cảm thấy buồn nhất. Nhiều người Hàn Quốc đã lên tiếng chỉ trích ông Trump hủy đi cơ hội tìm kiếm hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.
.