Triều Tiên dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri

.

Ngày 24-5, CHDCND Triều Tiên hoàn thành việc dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Đây là bước đi đầu tiên hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên.

Bức ảnh chụp qua vệ tinh ngày 23-8 cho thấy bãi thử hạt nhân Punggye-ri của CHDCND Triều Tiên. Ảnh: AP
Bức ảnh chụp qua vệ tinh ngày 23-8 cho thấy bãi thử hạt nhân Punggye-ri của CHDCND Triều Tiên. Ảnh: AP

Hãng AP cho biết, CHDCND Triều Tiên hoàn thành việc dỡ bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri ở miền núi phía đông bắc nước này với sự chứng kiến của các nhà báo (gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh và Hàn Quốc). Kế hoạch dỡ bỏ hoàn toàn cơ sở này đã được nhà lãnh đạo Kim Jong-un công bố trước đó nhằm mở đường suôn sẻ cho hội nghị thượng đỉnh giữa ông với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore vào ngày 12-6. Quyết định của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên đã nhận được sự hoan nghênh của Mỹ và các nước trong khu vực Đông Bắc Á, xem đây là cử chỉ thiện chí đáng ghi nhận nhằm xây dựng lòng tin trong vấn đề hạt nhân, tạo không khí thuận lợi cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Theo Yonhap, đường hầm phía bắc của Punggye-ri được phá hủy lúc 11 giờ ngày 24-5. Hai đường hầm khác được đánh sập bằng thuốc nổ vào khoảng 14 giờ, tiếp đó là phá hủy các cơ sở khác trên mặt đất. “Triều Tiên đã cho nổ trái tim của chương trình vũ khí hạt nhân của mình”, Yonhap cho hay. Nhà báo Tom Cheshire của hãng Sky News chứng kiến việc đóng cửa bãi thử đã xác nhận trên trang web của hãng này: “Có một tiếng nổ lớn. Bạn có thể cảm thấy nó. Bụi bay về phía bạn, cái nóng ập vào bạn. Tiếng nổ cực lớn”. Các hãng thông tấn Russia Today, Tân Hoa xã đều đưa tin về sự kiện nói trên.

Tuy nhiên, các nhà quan sát về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên cho rằng, việc đóng cửa Punggye-ri sẽ ít có tác động đến khả năng nước này thử tên lửa hoặc hạt nhân. Punggye-ri là bãi thử hạt nhân duy nhất của CHDCND Triều Tiên. Tại cơ sở này, Bình Nhưỡng tiến hành 6 lần thử nghiệm hạt nhân vào các năm 2006, 2009, 2013, 2016 và 2017, trong đó 2 vụ thử nghiệm cuối cùng được tuyên bố là bom nhiệt hạch (bom H) và vụ ngày 3-9-2017 có sức công phá mạnh nhất, gấp 10 lần bom nguyên tử Mỹ thả xuống Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai.

Nhà nghiên cứu cấp cao Melissa Hanham tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury ở  Monterey, California (Mỹ) nhận định: CHCDND Triều Tiên có thể nhanh chóng có một bãi thử trở lại. Năm 2008, Bình Nhưỡng hủy bỏ tháp làm lạnh tại cơ sở hạt nhân Yongbyon. Tuy nhiên, vài năm sau đó, khi đối thoại giải giáp hạt nhân bế tắc, nước này tái khởi động lò phản ứng hạt nhân, phục hồi sản xuất plutonium cho chương trình vũ khí hạt nhân.

Trong khi đó, theo đài NPR của Mỹ, phá hủy bãi thử Punggye-ri, CHDCND Triều Tiên muốn gửi một thông điệp rõ ràng đến thế giới về việc không trở lại chương trình hạt nhân. Các chuyên gia chưa thể khẳng định việc phá bỏ Punggye-ri có dẫn tới việc bãi thử này không còn sử dụng được nữa hay không. Song, việc Triều Tiên hủy bãi thử mà không kèm theo điều kiện nào, cũng không yêu cầu “sự trao đổi” từ Washington cho thấy quan điểm của Bình Nhưỡng đã thay đổi nghiêm túc.

Trong lúc đó, triển vọng đàm phán Mỹ - Triều vẫn chưa được xác định. Ngày 23-5 (giờ Washington), Tổng thống Donald Trump nói rằng, vẫn chưa có gì chắc chắn cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore sẽ diễn ra vào ngày 12-6 như dự kiến và mọi việc sẽ được quyết định vào tuần tới.

Trong khi đó, theo Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên phụ trách các vấn đề về Mỹ, bà Choe Son-hui, tương lai của cuộc gặp hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ. Bà Choe Son-hui dọa Mỹ sẽ nếm mùi “thảm kịch” mà nước này chưa bao giờ chứng kiến hoặc tưởng tượng nếu cuộc gặp bị hủy.  “Triều Tiên sẽ không khẩn cầu Mỹ đối thoại hay tìm cách thuyết phục Mỹ nếu nước này không muốn đàm phán”, bà Choe Son-hui nói.

Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng bày tỏ hy vọng hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ diễn ra thuận lợi; đồng thời kêu gọi các bên liên quan bảo đảm cuộc đối thoại mang lại những kết quả tích cực.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.