Ngày 28-5, Ý lại rơi vào khủng hoảng chính trị sau khi Thủ tướng được chỉ định Giuseppe Conte từ chức do không có khả năng thành lập chính phủ liên minh giữa đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) và đảng cực hữu Liên đoàn.
Ông Giuseppe Conte không thể thành lập được chính phủ nên đã từ chức thủ tướng. Ảnh: Reuters |
Nỗ lực của ông Conte trong việc thành lập chính phủ thất bại do Tổng thống Sergio Mattarella không chấp nhận việc đề cử cựu Bộ trưởng Công nghiệp Paolo Savona, nhân vật được cho là có quan điểm hoài nghi châu Âu, làm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính. Tổng thống Mattarella nói rằng, ông đồng ý mọi đề xuất về nội các của ông Conte, ngoại trừ vị trí dành cho ông Savona - người đã gọi châu Âu là “cái lồng Đức” và phản đối việc ký kết Hiệp ước Maastricht (còn gọi là Hiệp ước thành lập EU).
Việc chỉ định ông Conte làm Thủ tướng từng được cho là tháo gỡ bế tắc chính trị, bởi trong cuộc bầu cử ngày 4-3 vừa qua, không có đảng hoặc chính đảng nào giành được đa số phiếu cần thiết để tự thành lập chính phủ.
Tổng thống Mattarella đã triệu tập ông Carlo Cottarelli - cựu Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), để bàn khả năng thay thế ông Conte. Ông Cottarelli (64 tuổi) từng là Giám đốc bộ phận tài khóa của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từ năm 2008-2013. Ông được biết đến với biệt danh “Ngài Kéo” vì đã cắt giảm nhiều khoản chi tiêu công tại Ý.
Tổng nợ công của Ý hiện lên đến 2.300 tỷ euro, tương đương 132% GDP, xếp thứ hai trong Eurozone, chỉ sau Hy Lạp. Ý có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong Eurozone, dự kiến đạt 1,4% trong năm nay và 8,3% dân số sống dưới mức nghèo khổ. Nhiều ý kiến cho rằng, Ý có thể gây ra cuộc khủng hoảng mới đối với Eurozone do quốc gia châu Âu này, dưới sự lãnh đạo của một liên minh cầm quyền hoàn toàn dân túy và cực hữu, sẽ không tuân thủ các cam kết về nợ công và thâm hụt ngân sách của EU.
KHANG NINH