Liên minh châu Âu (EU) đang loay hoay giải quyết khủng hoảng nhập cư và khó tìm được giải pháp chung cho vấn đề này.
Nhiều người tị nạn vượt Địa Trung Hải trên những con tàu gỗ hoặc cao su trước khi được các tàu cứu hộ đến cứu. Ảnh: Getty Images |
Cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU tại Brussels (Bỉ) vào ngày 24-6 là nỗ lực nhằm thu hẹp những bất đồng về nhập cư - vấn đề được Đức cho là thách thức lớn nhất của châu Âu trong lúc này.
Theo Reuters, mặc dù số người tị nạn vượt Địa Trung Hải từ đầu năm đến nay chỉ là một phần nhỏ so với con số trong năm 2015 - thời điểm có đến hơn 1 triệu người đến miền đất hứa châu Âu, nhưng một thăm dò gần đây cho thấy vấn đề nhập cư vẫn là mối quan tâm hàng đầu của 500 triệu công dân EU.
Thực ra, tình trạng bế tắc của EU liên quan khủng hoảng nhập cư có từ năm 2015. Với áp lực của các cử tri trong nước, các nhà lãnh đạo EU hiện vẫn tranh cãi và không chấp thuận hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn. Khủng hoảng nhập cư đã dẫn đến thất bại của các chính trị gia trong các cuộc bầu cử từ Ý đến Hungary, khi cử tri của những nước này ủng hộ quan điểm cứng rắn hơn.
Chẳng hạn, khi ông Giuseppe Conte trở thành Thủ tướng Ý, quốc gia này được cho là sẽ có quan điểm chống châu Âu mạnh mẽ về vấn đề nhập cư. Chính phủ theo đường lối dân túy của Thủ tướng Giuseppe Conte tuyên bố, Ý không phải là “trại tị nạn của châu Âu”, đồng thời sẽ trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp.
Lâu nay, Ý cho rằng, nước này bị châu Âu bỏ mặc trong việc đối phó với khủng hoảng nhập cư và giới chức Rome mới đây đã từ chối tiếp nhận hơn 600 người di cư, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, bị mắc kẹt trên tàu cứu hộ Aquarius ở Địa Trung Hải.
Pháp phản đối gay gắt hành động của Ý. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, theo luật pháp quốc tế, Ý phải tiếp nhận những người di cư trên tàu Aquarius do nước này có đường bờ biển gần nơi xảy ra vụ việc nhất. Ngày 23-6, ông Macron thậm chí cảnh báo Pháp sẽ trừng phạt tài chính đối với các nước EU từ chối tiếp nhận người tị nạn theo hạn ngạch.
Đáp lại, Phó Thủ tướng Ý Luigi Di Maio cho rằng, một nước Pháp “kiêu ngạo” có nguy cơ trở thành “kẻ thù số 1” của Ý trong vấn đề người di cư. Lý do mà ông Di Maio đưa ra là Ý đang phải đối mặt với tình trạng báo động về người di cư, một phần xuất phát từ việc Pháp tiếp tục đẩy lui dòng người di cư tại biên giới.
Song, có lẽ Thủ tướng Đức Angela Merkel chịu áp lực lớn nhất khi bà vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ chính các đồng minh bảo thủ - đảng Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo (CSU). Chính sách mở cửa do bà Merkel đề ra hồi năm 2015 nhằm hỗ trợ người tị nạn Syria đã mở đầu cho làn sóng tổng cộng 1,6 triệu người từ châu Phi, Trung Đông và châu Á tràn vào châu Âu đến nay, tạo ra khủng hoảng về nhà ở, việc làm, tội phạm cũng như các vấn đề xã hội khác.
Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer, lãnh đạo CSU, chỉ trích quyết định của bà Merkel và ủng hộ chính sách ngăn dòng người tị nạn đã đăng ký tại một nước châu Âu khác tràn vào Đức. Rạn nứt giữa liên minh CSU và đảng của bà - Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) khiến bà Merkel đối mặt với thách thức lớn về quyền lực. Theo đó, nữ Thủ tướng này có thể không được sự ủng hộ của đa số nghị sĩ và nhiều khả năng Đức phải tổ chức cuộc tổng tuyển cử mới.
Bà Merkel đang thúc đẩy các quốc gia EU khác, trong đó có Ý, nỗ lực hơn để giải quyết vấn đề nhập cư, đồng thời thuyết phục CSU không tiếp tục theo đuổi kế hoạch của họ. Song, để xoa dịu CSU, bà phải đạt được một kết quả nào đó tại hội nghị tại Brussels lần này cũng như tại cuộc gặp thượng đỉnh của 28 nhà lãnh đạo EU diễn ra vào ngày 28 và 29-6.
Ngày 28 và 29-6 tới cũng là thời hạn chót để EU đạt được sự đồng thuận về cải cách Hiệp ước Dublin, vốn bị cho là đẩy những nước cửa ngõ tiếp nhận người tị nạn như Hy Lạp hay Ý lên tuyến đầu. Theo quy tắc của Hiệp ước Dublin, quốc gia mà người tị nạn nhập cảnh đầu tiên có trách nhiệm tiếp nhận người di cư và người xin tị nạn.
Vì vậy, Hiệp ước Dublin gần như chết yểu do các nước thành viên EU từ chối chấp nhận người tị nạn hoặc chỉ tiếp nhận rất ít. Hiện EU thảo luận với các cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc (LHQ) về kế hoạch thiết lập các trung tâm tiếp nhận để xử lý vấn đề người di cư ở các quốc gia Bắc Phi. Trong khi đó, Ý kêu gọi EU bảo vệ các đường biên giới của khối trước làn sóng người di cư đến từ châu Phi.
Theo LHQ, để giải quyết khủng hoảng nhập cư, các nước châu Âu cần hợp tác, thay vì từng quốc gia có những nỗ lực rời rạc. Nhưng việc tìm được tiếng nói chung và đưa ra những quy định được tất cả các nước khu vực Địa Trung Hải chấp thuận là điều không đơn giản.
VĨNH AN