"Kỷ nguyên mới" trong quan hệ Mỹ - Triều

.

Báo chí của CHDCND Triều Tiên cho rằng, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày 12-6 là dấu hiệu của “một thời đại đã thay đổi” và “kỷ nguyên mới” trong quan hệ với Mỹ.

Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng cho cuộc gặp lịch sử tại Singapore.  Ảnh: Tân Hoa xã/New York Post
Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng cho cuộc gặp lịch sử tại Singapore. Ảnh: Tân Hoa xã/New York Post

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa của Singapore lúc 9 giờ ngày 12-6 (8 giờ cùng ngày, giờ Việt Nam) được cả thế giới chú ý. Nhiều lý do khiến sự kiện này trở nên đặc biệt như: đây là cuộc gặp đầu tiên giữa một nhà lãnh đạo Triều Tiên và một Tổng thống Mỹ đương nhiệm; nếu hai bên đạt được thỏa thuận sẽ xóa bỏ mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên đối với Mỹ, chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, mở ra triển vọng mang lại hòa bình cho khu vực và thế giới…

Hướng đến hòa bình lâu dài, bền vững

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA cho rằng, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là dấu hiệu của “một thời đại đã thay đổi” và “kỷ nguyên mới” trong quan hệ với Mỹ. Báo Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên nhận định, cuộc gặp “mặt đối mặt” ngày 12-6 sẽ đề cập những quan điểm rộng lớn và sâu sắc về vấn đề thiết lập quan hệ mới Mỹ - Triều, xây dựng “cơ chế gìn giữ hòa bình lâu dài và bền vững” trên bán đảo Triều Tiên.

Phát biểu khi ăn trưa và làm việc cùng Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 11-6, Tổng thống Donald Trump dự đoán “mọi việc có thể diễn ra rất tốt đẹp” bởi các quan chức của Mỹ và Triều Tiên đã gặp gỡ để thu hẹp những khác biệt, hướng đến kết thúc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng xác nhận Tổng thống Donald Trump đã sẵn sàng và mong chờ cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Ông chủ Lầu Năm Góc còn viết trên Twitter rằng, nước Mỹ “duy trì cam kết về tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược trên bán đảo Triều Tiên”.

Theo Reuters, nhiều chuyên gia về CHDCND Triều Tiên vẫn hoài nghi khả năng ông Kim Jong-un ngừng hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Các chuyên gia cho rằng, hứa hẹn này chỉ nhằm đổi lấy việc được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt vốn tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế.

Một quan chức giấu tên của chính phủ Mỹ cho hay, phía Washington bước vào bàn đàm phán với sự lạc quan xen lẫn hoài nghi và sẵn sàng cho bất kỳ kịch bản nào xảy ra. Cũng theo Nhà Trắng, nếu cuộc gặp diễn ra thuận lợi, hai lãnh đạo có thể tiếp tục họp vào ngày 13-6; thậm chí Mỹ còn mời ông Kim Jong-un sang thăm Washington vào khoảng tháng 9 tới, ông Kim cũng sẽ mời nhà lãnh đạo Mỹ tham dự hội nghị thượng đỉnh lần 2 ở Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, nếu mọi việc không theo mong muốn của Mỹ, ông Trump có thể sẽ rời cuộc họp chỉ sau vài phút.

Sẽ có thỏa thuận mang tính biểu tượng?

Vướng mắc lớn nhất giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên là vấn đề “phi hạt nhân hóa”. Hai nước đều bày tỏ mong muốn phi hạt nhân hóa nhưng vẫn bất đồng về cách thức và tiến độ thực hiện. Mỹ muốn quá trình này phải được thực hiện “hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược”, đổi lại sẽ dỡ bỏ trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên. Trong khi đó, Bình Nhưỡng muốn thực hiện tiến trình theo lộ trình, từng bước và từng phần.

Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng, việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn là kết quả duy nhất mà Mỹ chấp thuận tại hội nghị thượng đỉnh. Song, ông Pompeo không đề cập việc Tổng thống Trump có xem xét rút các binh sĩ khỏi Hàn Quốc hay không, nhưng nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt sẽ vẫn duy trì cho đến khi Bình Nhưỡng từ bỏ hạt nhân; và nếu ngoại giao không đi đúng hướng, các biện pháp trừng phạt sẽ gia tăng.

Người đứng đầu Lầu Năm Góc khẳng định, phía Mỹ sẽ hành động để CHDCND Triều Tiên hoàn toàn yên tâm rằng phi hạt nhân hóa không phải là một kết thúc tồi tệ mà có thể hướng đến tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn cho người dân quốc gia Đông Bắc Á này. “Tôi rất lạc quan, chúng tôi sẽ có một kết quả thành công”, ông Pompeo nói.

Về phía Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in, nhà lãnh đạo có đường lối ôn hòa nói rằng, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều là mốc lịch sử cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Ông Moon hy vọng sự kiện lịch sử này sẽ giúp loại bỏ mối quan hệ thù địch và đạt được thỏa thuận để phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Theo người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom, thành công của sự kiện lần này có thể được quyết định bởi cuộc gặp trực tiếp giữa nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên, chứ không phải các cuộc đàm phán cấp chuyên viên giữa hai nước.

Chưa thể nói trước về kết quả cuộc gặp khi Mỹ đã chuẩn bị sẵn 2 kịch bản. Có thể đàm phán sẽ chỉ dừng lại ở mức ý tưởng và việc các bên bày tỏ thiện chí, thậm chí là một thỏa thuận mang tính biểu tượng, nhưng như vậy cũng là một bước tiến lớn, mang tính đột phá trong quan hệ Mỹ - Triều.

Singapore chi gần 15 triệu USD

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long xác nhận đảo quốc này chi khoảng 20 triệu SGD (gần 15 triệu USD) cho việc đăng cai hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, trong đó một nửa dành cho chi phí an ninh và một phần chi trả toàn bộ chi phí khách sạn cho nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên cùng đoàn tùy tùng.

Singapore đang nỗ lực thắt chặt an ninh chưa từng có nhằm bảo đảm cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra thành công vào ngày 12-6.

Theo hãng Yonhap, Singapore siết chặt an ninh trên bộ, trên biển và trên không. Cụ thể, giới chức nước này đã khoanh vùng “khu vực sự kiện đặc biệt” liên quan tới hội nghị từ ngày 10 đến 14-6, bao gồm khách sạn Capella trên đảo Sentosa - nơi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh, cùng các địa điểm xung quanh khách sạn Shang-ri La và St. Regis - nơi Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un nghỉ lại. Theo đó, tại những khu vực được chỉ định, cảnh sát phong tỏa đường phố và thực thi các chương trình kiểm tra an ninh nghiêm ngặt…

Bên cạnh đó, Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) và Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã ra thông báo không phận Singapore bị hạn chế từ ngày 11 đến 13-6. Theo đó, tất cả máy bay đến sân bay quốc tế Changi của Singapore sẽ được yêu cầu giảm tốc độ và tuân thủ một số hạn chế về sử dụng đường băng “vì lý do an ninh quốc gia”.

Hãng Reuters cho hay, việc bảo đảm an toàn cho ông Kim Jong-un tại cuộc gặp với Tổng thống Trump được dự kiến ở mức “chặt chẽ hơn” so với bất kỳ quan chức cấp cao nào. Singapore cũng huy động khoảng 1.800 “siêu chiến binh” - lực lượng đặc biệt tinh nhuệ Gurkha để bảo đảm an ninh cho hội nghị thượng đỉnh.

THƯ LÊ

Singapore tạm dỡ bỏ lệnh cấm hàng hóa Triều Tiên

Singapore tạm dỡ bỏ lệnh trừng phạt thương mại và sẽ giảm thuế xuất nhập khẩu hàng hóa cho phái đoàn CHDCND Triều Tiên tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Đây là động thái nhằm dỡ bỏ một số hạn chế để bảo đảm việc trung chuyển hàng hóa của phái đoàn CHDCND Triều Tiên, qua đó tạo thuận lợi cho việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh.

Theo tờ Straits Times, chính sách nói trên chỉ được áp dụng cho phái đoàn nhập và xuất khẩu hàng hóa “để phục vụ cho việc chuẩn bị và tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ -Triều”. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 9 đến 14-6.

Tháng 11 năm ngoái, Singapore ban hành lệnh đình chỉ thương mại với CHDCND Triều Tiên ngay sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc công bố các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng liên quan tới chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này.

Theo đạo luật quy định về nhập khẩu và xuất khẩu của Singapore, các hàng hóa có điểm xuất phát hoặc có điểm đến là CHDCND Triều Tiên thì không được nhập khẩu, xuất khẩu, chuyển từ tàu này sang tàu khác hoặc trung chuyển thông qua Singapore mà không có sự cho phép. Như vậy, với quyết định trên, các hàng hóa được phái đoàn CHDCND Triều Tiên tham gia hội nghị thượng đỉnh đưa vào và đưa ra khỏi đảo quốc này sẽ không cần giấy phép hoặc sự thông qua từ các cơ quan hữu quan.

THƯ LÊ

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.