Macedonia đổi tên nước

Vẫn còn nhiều thách thức

.

Suốt 27 năm, Macedonia và Hy Lạp mâu thuẫn vì tên nước. Nay thỏa thuận được ký kết giữa hai chính phủ tuy được đánh giá là mang tính lịch sử nhưng vấp phải sự phản đối quyết liệt của các phe phái theo đường lối cứng rắn ở cả hai nước.

Những người biểu tình tập trung ở thủ đô Skopje của Macedonia phản đối việc đổi tên nước.  Ảnh: Getty Images
Những người biểu tình tập trung ở thủ đô Skopje của Macedonia phản đối việc đổi tên nước. Ảnh: Getty Images

Với cả Macedonia lẫn Hy Lạp, ngày 17-6 là ngày lịch sử bởi Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Kotzias và Ngoại trưởng Macedonia Nikola Dimitrov đã ký thỏa thuận giữa hai nước về việc đổi tên Macedonia thành Cộng hòa Bắc Macedonia. Lễ ký kết diễn ra ở biên giới hai nước trước sự chứng kiến của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev, cùng một số quan chức Liên Hợp Quốc (LHQ), Liên minh châu Âu (EU).

Theo thỏa thuận, Macedonia - nước láng giềng phía bắc của Hy Lạp - sẽ có tên gọi mới. Đổi lại, Hy Lạp sẽ không phản đối việc Macedonia gia nhập EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông Tsipras và ông Zaev cho rằng, việc ký thỏa thuận sẽ khởi đầu cho mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai nước, đồng thời là hình mẫu cho tất cả các quốc gia ở khu vực Balkan trong việc giải quyết hòa bình đối với những tranh chấp. 

Theo báo Washington Post, việc thay đổi tên gọi có thể là chuyện nhỏ, nhưng thỏa thuận nói trên là sự đột phá, chấm dứt mâu thuẫn suốt 27 năm, tháo gỡ bế tắc trong tiến trình Macedonia gia nhập EU và NATO. Thủ tướng Zoran Zaev gọi đây là “thỏa thuận lịch sử của thế kỷ”. Trong khi đó, Thủ tướng Alexis Tsipras mô tả thỏa thuận là “một chiến thắng ngoại giao lịch sử và một cơ hội lịch sử lớn” đối với khu vực với “tình hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển”.

Tranh cãi bùng phát vào năm 1991 khi Macedonia tuyên bố độc lập và gia nhập LHQ với tên gọi Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia. Tuy nhiên, Hy Lạp đã ngăn cản tiến trình Macedonia gia nhập NATO và EU lần lượt vào năm 2008 và 2009, bởi Athens cũng có một tỉnh ở vùng núi phía bắc có tên gọi Macedonia- nơi sinh của Alexander Đại đế. Tỉnh phía bắc này được Athens xem là di sản văn hóa tôn nghiêm. Athens lo ngại sự trùng hợp như vậy có thể dẫn đến tranh chấp lãnh thổ, mặc dù LHQ khi kết nạp Macedonia làm thành viên đã gọi đây là cựu Cộng hòa Nam Tư Macedonia (FYROM); tên viết tắt này cũng xuất hiện trên Google Maps.

Cả hai Thủ tướng Alexis Tsipras và Zoran Zaev đã nỗ lực giải quyết tranh chấp dù vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của phe đối lập, thậm chí đối mặt với nguy cơ rạn nứt liên minh cầm quyền của Hy Lạp và căng thẳng giữa Thủ tướng với Tổng thống Macedonia. Các đảng đối lập chính của hai nước đều cho rằng, thỏa thuận là sự nhượng bộ quá mức đối với phía bên kia. Phe đối lập tại Hy Lạp còn yêu cầu Quốc hội tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm ông Tsipras. Tuy ông Tsipras đã vượt qua được cuộc bỏ phiếu nhưng làn sóng biểu tình trong nước lại dấy lên. Hơn nữa, thỏa thuận cũng còn cần phải được Quốc hội Hy Lạp thông qua thì mới có hiệu lực.

Tại Macedonia, tình hình cũng không khá hơn khi bạo lực xảy ra trên đường phố thủ đô Skopje vào đêm 17-6. Những người biểu tình ném pháo sáng, đá, chai lọ vào cảnh sát ở bên ngoài trụ sở Quốc hội và hô vang “Macedonia, Macedonia”. Nước này cũng sẽ phải tổ chức trưng cầu dân ý và phải tiến hành sửa đổi hiến pháp để chính thức mang tên gọi mới vào cuối năm 2018. Theo thăm dò dư luận, nhiều khả năng người dân Macedonia sẽ nói không với việc đổi tên nước.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.
.