Mỹ chính thức rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc ngày 19-6 với cáo buộc cơ quan này "thiên vị bất lợi cho Israel", BBC cho biết.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley (Ảnh: Reuters) |
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley hôm qua đã lên tiếng chỉ trích Nga, Trung Quốc, Cuba và Ai Cập cản trở những nỗ lực của Mỹ nhằm cải cách Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Bà Haley cũng chỉ trích các nước cùng chung giá trị với Mỹ và khuyến khích Washington ở lại Hội đồng nhưng lại "không sẵn sàng nghiêm túc thách thức hiện trạng".
Bà Haley cũng cáo buộc, "sự không công bằng và thái độ thù địch đối với Israel cũng là bằng chứng rõ rằng cho thấy Hội đồng đang bị chi phối bởi các yếu tố chính trị, không phải vấn đề nhân quyền".
Tuy nhiên, bà Haley khẳng định, việc rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc không có nghĩa Mỹ rút lại các cam kết về nhân quyền.
Quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc là quyết định mới nhất rút khỏi các tổ chức hay thỏa thuận đa phương sau khi Washington rút khỏi Hiệp ước chống biến đổi khí hậu, thỏa thuận hạt nhân Iran và Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang hứng chỉ trích gay gắt vì chính sách siết nhập cư khiến trẻ em bị tách khỏi bố mẹ tại biên giới Mỹ-Mexico. Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Zeid Ra’ad al-Hussein hồi đầu tuần đã kêu gọi Washington ngừng chính sách bất hợp lý này.
Hội đồng Nhân quyền lập ra năm 2006 với 47 thành viên, khi đó chính quyền cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush từ chối ủng hộ hội đồng này. Dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, Mỹ tham gia vào hội đồng năm 2009 với tối đa 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Mỹ tiếp tục được bầu lại vào năm 2016.
Theo Dân trí