Mỹ loay hoay đối phó với G6

.

Trước khi gặp gỡ nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Donald Trump phải đối mặt với các “ông lớn” từ hai bờ Đại Tây Dương - các đồng minh lâu đời nhất của Mỹ đang quyết tâm chống lại chính sách bảo hộ thương mại của Washington.

Tổng thống Donald Trump sẽ vấp phải sự phản đối của các thành viên G7 về chính sách thuế mới đối với sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu. Ảnh: EPA
Tổng thống Donald Trump sẽ vấp phải sự phản đối của các thành viên G7 về chính sách thuế mới đối với sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu. Ảnh: EPA

Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới G7 diễn ra tại Charlevoix, tỉnh Quebec (Canada) ngày 8 và 9-6 được cho là diễn đàn để hai bờ Đại Tây Dương bày tỏ sự phản đối xung quanh việc Mỹ áp thuế mới đối với sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu. Song, không chỉ ở lĩnh vực thương mại, các đồng minh lâu đời của Mỹ còn thất vọng khi Washington rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran. Thành ra, G7 (gồm Đức, Canada, Pháp, Anh, Ý, Nhật Bản và Mỹ) đang trở thành G6+1, như nhận định của Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire. Theo đó, Tổng thống Donald Trump có thể bị cô lập trong sự kiện ở Quebec lần này.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhận định, các cuộc thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ gây nhiều tranh cãi vì các chính sách thương mại đơn phương của Mỹ. Bà Merkel cho rằng, quyết định áp thuế của Mỹ là “hành động bất hợp pháp” và các nước châu Âu cần đoàn kết, cùng hành động chống lại chủ nghĩa bảo hộ. Cả bà Merkel lẫn Thủ tướng nước chủ nhà Justin Trudeau đều thừa nhận, G7 lần này khó đưa ra tuyên bố chung. “Sẽ có những cuộc thảo luận thẳng thắn và khó khăn trên bàn nghị sự G7, đặc biệt là với Tổng thống Mỹ và vấn đề thuế quan”, ông Trudeau phát biểu với báo giới.

Theo AFP, việc Mỹ áp  mức thuế 10% với nhôm nhập khẩu và 25% với thép nhập khẩu từ EU, Canada, Mexico, Nhật Bản, và cả với những hàng hóa khác, như ô-tô hạng sang của Đức, đang đẩy các thành viên G7 đến bên bờ chiến tranh thương mại. Bộ trưởng Thương mại Canada Francois Philippe Champagne mô tả: “Những gì mà chúng ta đang chứng kiến là trật tự thế giới đang chịu áp lực, đang bị tấn công”.

Tuy nhiên, ông Larry Kudlow - cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Trump cho rằng, người đứng đầu Nhà Trắng sẽ không chịu lùi lại sau “giới hạn nghiêm ngặt” về thương mại do chính mình đặt ra. Ông Kudlow cho biết, Tổng thống Trump sẽ cởi mở khi đối mặt với các vấn đề hóc búa tại Quebec và đây là chỉ là “bất đồng thương mại đơn giản” như trong bất kỳ “cuộc tranh luận gia đình nào”.

Ông Trump sẽ có hàng loạt cuộc gặp gỡ song phương, như với Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Theo ông Kudlow, các đồng minh nên hiểu rằng ông Trump “sẽ làm những gì cần thiết để bảo vệ nước Mỹ, bảo vệ các doanh nghiệp và lực lượng lao động Mỹ”. Và thực tế, ông Trump luôn nói: “Thuế quan là một công cụ cho những nỗ lực đó”.

Thành viên châu Á duy nhất trong khối G7 là Nhật Bản vốn có mối quan hệ thân thiết với Nhà Trắng. Song, sự ủng hộ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đối với cách tiếp cận của Tổng thống Trump trong vấn đề CHDCND Triều Tiên cũng không giúp quốc gia Đông Bắc Á này thoát khỏi mức thuế mới của Mỹ.

Trong khi đó, Canada phản ứng gay gắt, thậm chí gửi đơn khiếu nại Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Thủ tướng Trudeau nói với đài NBC rằng, việc Mỹ áp mức thuế mới đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Canada vì lý do “đe dọa an ninh quốc gia” là “không thể chấp nhận được” và thông báo trả đũa bằng cách đánh thuế lên tới 16,6 tỷ đô-la Canada (tương đương 1 tỷ euro) đối với các sản phẩm của Washington. Chuyên gia Edward Alden tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ nhận định, căng thẳng đang làm mối quan hệ giữa hai quốc gia đồng minh này xuống đến mức thấp nhất.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.
.