Việc Mỹ và Trung Quốc trả đũa thương mại lẫn nhau không gây bất ngờ nhưng làm dấy lên quan ngại về khả năng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.
Trung Quốc cáo buộc Mỹ đã châm ngòi một cuộc chiến tranh thương mại thực sự giữa hai nước. Trong ảnh: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một cuộc gặp. Ảnh: AP |
Ngày 15-6, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp mức thuế 25% đợt đầu tiên với 34 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ gồm các sản phẩm nông nghiệp và cả xe hơi kể từ ngày 6-7. Đợt thứ hai với 16 tỷ USD hàng hóa của Mỹ, trong đó có than đá và dầu mỏ, sẽ bị Trung Quốc áp thuế 25%. Mâu thuẫn thương mại gia tăng ảnh hưởng đến giá cả mọi mặt hàng liên quan và tác động tới giá cổ phiếu của các nhà sản xuất than đá Mỹ, đồng thời tạo cơ hội mới cho các nhà cung cấp thay thế khác như Brazil. Việc “ăn miếng trả miếng” cũng làm đổ vỡ những thỏa hiệp mà hai bên khó khăn lắm mới đạt được trong các cuộc đàm phán kéo dài gần 1 tháng qua.
Với việc tập trung vào các sản phẩm hàng hóa thuộc lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng, Trung Quốc nhắm mục tiêu đáp trả chính sách thuế mới của Mỹ vào các cộng đồng dân cư ở nông thôn tại những bang đã từng bỏ phiếu cho ông Donald Trump năm 2016. Bắc Kinh công bố chính sách thuế trả đũa trong vòng chưa tới 12 giờ đồng hồ sau khi Mỹ đưa ra danh sách các mặt hàng bị áp thuế với tổng giá trị khoảng 50 tỷ USD hàng hóa. Vậy mà hồi tháng 5 vừa qua, Trung Quốc vẫn tuyên bố sẽ mua thêm các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng của Mỹ, một phần trong nỗ lực dàn xếp mối quan hệ thương mại căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thực tế, các loại hàng hóa nông nghiệp luôn là “mặt trận” chủ chốt trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tháng 4 vừa qua, Trung Quốc bắt đầu áp thêm các mức thuế nhằm vào trái cây, các loại hạt, thịt heo và rượu vang của Mỹ để đáp trả việc Washington áp thuế với nhôm, thép nhập khẩu.
Danh sách các mặt hàng bị áp thuế lần này, theo chuyên gia phân tích Li Quiang của Công ty tình báo JC Thượng Hải, đã bao phủ gần như mọi nông sản nhập khẩu từ Mỹ. Danh sách hàng hóa áp thuế có thêm các sản phẩm nông nghiệp như bơ sữa, hải sản, tức là không thêm bao nhiêu so với danh sách hàng hóa công bố lần đầu hồi tháng 4. Chuyên gia này cho rằng, căn cứ vào mức độ thặng dư thương mại lớn của Trung Quốc với Mỹ, tình hình sẽ khó khăn và phức tạp với Bắc Kinh trong tương lai khi họ trả đũa tiếp tục nếu Washington mở rộng diện áp thuế cao với nhiều loại hàng hóa khác.
Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc từng trích dẫn dữ liệu hải quan cho biết, trong năm 2017, lượng hàng hóa nhập khẩu nông nghiệp từ Mỹ của Trung Quốc có giá trị khoảng 24,1 tỷ USD. Con số này chiếm khoảng 19% trong tổng giá trị hàng nông nghiệp nhập khẩu (125,8 tỷ USD) của Trung Quốc cùng năm đó, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp và các vấn đề nông thôn Trung Quốc.
Đó là vấn đề nông nghiệp, riêng các khoản thuế của Trung Quốc đánh vào than đá cũng nhằm vào vấn đề cốt lõi trong chương trình hành động về năng lượng của Tổng thống Trump. Kể từ khi đắc cử, ông Trump đã cố gắng thực hiện lời hứa: vực dậy hoạt động của ngành công nghiệp than đá của Mỹ. Việc này cũng diễn ra trong bối cảnh nhiều công ty khai khoáng Mỹ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các thị trường nước ngoài. Riêng trong năm 2017, lượng than đá của Mỹ xuất khẩu đi các nước tăng tới 61%, trong khi lượng than đá vận chuyển bằng đường biển đến châu Á tăng gấp đôi.
Vài tuần trước, Trung Quốc cũng tuyên bố nước này đang cân nhắc việc mua thêm than đá từ Mỹ. Mặc dù Bắc Kinh đang đeo đuổi mục tiêu dài hạn của việc giảm việc sử dụng than đá để giải quyết vấn đề môi trường, nhưng do điều kiện thực tiễn, nước này vẫn tiếp tục phải sản xuất, tiêu thụ và nhập khẩu than đá nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới. Trung Quốc đã mua 271 tấn than đá từ nước ngoài trong năm 2017. Dữ liệu của cơ quan thông tin năng lượng Mỹ cho biết, Mỹ đã xuất khẩu khoảng 3,2 triệu tấn than đá sang Trung Quốc.
Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đứng bên bờ vực cuộc chiến tranh thương mại được nhận định là “lưỡng bại câu thương”, mặc dù Bắc Kinh cáo buộc Washington là bên khơi mào cuộc chiến này, nhưng vẫn để ngỏ khả năng có thể tiếp tục có những cuộc đàm phán để giải quyết vấn đề.
Giới phân tích nhận định: Bắc Kinh sẽ không từ bỏ khả năng tiếp tục đối thoại với Mỹ trong vòng 3 tuần tới, trước khi những tuyên bố áp thuế của cả hai bên chính thức có hiệu lực. Dĩ nhiên cả hai bên đều đang tung những cú đòn “dấm dứ” nhằm đạt được lợi thế trong thương lượng. Song, nếu căn cứ vào những thất bại của các vòng đàm phán gần đây nhất, khả năng một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng không phải không thể xảy ra.
TRẦN ĐẮC LUÂN