Cuộc chiến thương mại mỗi lúc một nóng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang làm khoảng 300.000 nông dân trồng đậu nành ở Mỹ hoang mang và phải tính toán lại chiến lược trồng trọt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp gỡ tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bang Florida. Ảnh: AP |
Chính phủ của Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố áp thuế với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vì “những hoạt động thương mại không công bằng” liên quan đến sở hữu trí tuệ và công nghệ. Đáp trả lại, Trung Quốc tuyên bố áp thuế với 50 tỷ USD hàng hóa Mỹ, trong đó có đậu nành.
Các nông dân trồng đậu nành tại Mỹ đang thực sự cảm thấy những tổn thất kinh tế từ quan hệ căng thẳng đó. Việc đe dọa và áp thuế qua lại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới khiến giá đậu nành sụt giảm mạnh trong năm nay, ngay những tháng trước mùa thu hoạch.
Đồng tình với chính sách của Tổng thống Trump, ông Robert Lighthizer - đại diện thương mại Mỹ, nêu quan điểm:
“Tôi ủng hộ hành động của Tổng thống. Những loại thuế ban đầu Tổng thống yêu cầu chúng tôi áp dụng là phù hợp, phản ứng với việc ép buộc chuyển giao công nghệ và đánh cắp tài sản trí tuệ của người Trung Quốc. Thật không may, thay vì xóa bỏ những hoạt động mậu dịch không công bằng, Trung Quốc lại tuyên bố ý định áp các mức thuế không thỏa đáng nhằm vào công nhân, nông dân, những người chủ trang trại và doanh nhân Mỹ”.
Mặc dù Tổng thống Trump nói rằng, tình trạng thâm hụt thương mại khổng lồ với Trung Quốc là lý do để ông áp dụng chiến lược thuế cứng rắn, nhưng rất có thể những động thái ấy cũng gây ảnh hưởng lớn cho ngành xuất khẩu nông sản trị giá 14 tỷ USD của Mỹ.
Theo thống kê của Hiệp hội Đậu nành Mỹ (ASA), năm 2017, Trung Quốc nhập khẩu tới 60% tổng lượng đậu nành xuất khẩu của Mỹ. ASA - tổ chức đại diện khoảng 300.000 nông dân trồng đậu nành của Mỹ - ước tính giá trị kinh tế của vụ mùa đậu nành năm nay sẽ thiệt hại khoảng 6 tỷ USD do căng thẳng thương mại với Trung Quốc.
Những nông dân gắn bó cả đời với đồng ruộng và cây đậu nành như ông Danny Murphy ở bang Mississippi bày tỏ lo lắng khi xung đột thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu nhập chính của ông.
Cũng như nhiều nông dân khác, ông Murphy cho biết đã quá muộn để có thể chuyển sang trồng loại nông sản khác. Có tới một nửa trong trang trại rộng 1.500 mẫu của ông dành cho đậu nành và nửa còn lại dùng để trồng ngô.
Dù vậy, theo ông Brandon Wipf - nông dân trồng đậu nành ở bang South Dakota, cũng là thành viên Ban Giám đốc ASA, nhiều nông dân Mỹ trên cả nước có thể sẽ phải tính toán chiến lược mới nếu tình hình tiếp tục xấu hơn.
Không ngạc nhiên khi các nhà kinh tế học cho rằng, Tổng thống Trump cần suy tính lại chính sách thương mại vì ảnh hưởng rất lớn đến các khu vực lấy nông nghiệp làm nòng cốt, cũng là những bang ủng hộ mạnh mẽ đảng Cộng hòa. Một vài chuyên gia kinh tế đã chỉ ra trước đó, chính sách đáp trả thuế của Trung Quốc với Mỹ nhằm vào những bang vốn ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016.
Thời điểm chính sách thuế của Mỹ với Trung Quốc chính thức có hiệu lực (ngày 6-7) đang đến gần, liệu Washington có tiếp tục thay đổi chính sách để tránh thiệt hại kinh tế đang đe dọa 300.000 nông dân trồng đậu nành hay không, điều này thật khó đoán định.
Trong khi đó, những ngày qua, xung đột thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Ông Trump dọa áp 10% thuế với hơn 400 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc, một động thái mà ông chủ Nhà Trắng thừa hiểu Bắc Kinh không thể đáp trả vì tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ vào năm ngoái chỉ khoảng 130 tỷ USD.
Tuy nhiên, các quan chức cấp cao hai nước Mỹ - Trung vẫn đang cố gắng tìm kiếm giải pháp thỏa hiệp hợp lý nhất vì họ hiểu nếu cuộc chiến thương mại xảy ra, hậu quả lưỡng bại câu thương là điều không tránh khỏi.
TRẦN ĐẮC LUÂN