Triều Tiên thắt chặt quan hệ với Trung Quốc

.

Chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 3 chỉ trong vòng 3 tháng của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un được cho là nhằm thúc đẩy các mối quan hệ thân thiết của tình hữu nghị, đoàn kết, hợp tác giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 19-6. 							Ảnh: AFP
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 19-6. Ảnh: AFP

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA ngày 20-6 đưa tin chi tiết về chuyến công du Trung Quốc của ông Kim Jong-un trong lúc ông vẫn còn ở Bắc Kinh. Theo đó, KCNA cho biết, tại Bắc Kinh, ông Kim Jong-un đã bày tỏ quyết tâm và nguyện vọng phát triển hơn nữa các mối quan hệ thân thiết của tình hữu nghị, đoàn kết, hợp tác giữa hai đảng và nhân dân hai nước Triều Tiên - Trung Quốc.

Trong khi đó, theo AFP, ông Kim Jong-un ngày 20-6 khẳng định mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác sâu rộng với Bắc Kinh, qua đó minh chứng sự trung thành của Bình Nhưỡng đối với đồng minh chính sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore vừa qua.

Hãng AFP cũng cho rằng, chuyến công du Trung Quốc hai ngày (19 và 20-6) của ông Kim Jong-un nhằm tái khẳng định Bình Nhưỡng sẽ không phớt lờ những lợi ích của Bắc Kinh khi Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo trẻ của quốc gia Đông Bắc Á này bước vào giai đoạn ngoại giao chưa từng có.

Các nhà phân tích nhận định, việc ông Kim Jong-un có mặt ở Bắc Kinh sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là hành động cân bằng lợi ích tinh tế: vừa muốn cải thiện quan hệ với Mỹ, vừa muốn duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc - nhà bảo trợ về kinh tế và ngoại giao của Bình Nhưỡng.

Trung Quốc không tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều nhưng Bắc Kinh điều động máy bay đưa ông Kim Jong-un đến Singapore và đây là dấu hiệu rõ ràng về ảnh hưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối với tiến trình ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên.

Trung Quốc và Triều Tiên - hai đồng minh truyền thống có chung đường biên giới - đang phục hồi mối quan hệ vốn căng thẳng xuất phát từ việc Bình Nhưỡng thử hạt nhân và Bắc Kinh ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Minh chứng là trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên vào tháng 3 vừa qua, ông Kim Jong-un chọn điểm đến là Trung Quốc. Không những thế, tháng 5, ông đến thành phố cảng Đại Liên, phía đông bắc Trung Quốc, để gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình.

Khi được chào đón tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh ngày 19-6, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho biết, ông đánh giá cao “việc tăng cường hợp tác chiến lược trong thời gian gần đây” giữa hai nước. Theo đó, Trung Quốc có thể không còn phải lo ngại khả năng mất vai trò trong giải quyết khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên khi Mỹ và Hàn Quốc đều thiết lập đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng.

Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 20-6 cũng khẳng định với ông Kim Jong-un rằng, với nỗ lực của hai nước, bán đảo Triều Tiên chắc chắn sẽ hòa bình và ổn định.

Chuyên gia cao cấp Shin Beom-chul tại Viện Nghiên cứu chính sách châu Á có trụ sở ở Seoul (Hàn Quốc) cho rằng, ông Kim Jong-un và ông Tập Cận Bình dường như đang tìm kiếm quan điểm chung sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Theo GS. Shi Yinhong tại Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh, cải thiện quan hệ với Triều Tiên là cách duy nhất để Trung Quốc duy trì quyền tham gia giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và tiếp tục đóng vai trò quan trọng.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.