Báo cáo chính thức về máy bay MH370 không đề cập nguyên nhân mất tích nên vẫn chưa thể lý giải được bí ẩn này. Trong khi đó, gia đình các nạn nhân phản ứng tức giận.
Sarah Nor, mẹ của Norliakmar Hamid - một hành khách trên chuyến bay MH370, bật khóc tại buổi công bố báo cáo điều tra. Ảnh: Getty Images |
Trong cuộc họp báo tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia ngày 30-7, các nhà điều tra cho biết, máy bay Boeing 777, mang số hiệu MH370 chở 239 người từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh, bị đổi hướng và tiếp tục bay 7 giờ sau khi đã cắt đứt liên lạc.
Việc máy bay đổi hướng được điều khiển bằng tay, thay vì diễn ra dưới sự kiểm soát của hệ thống lái tự động. Vì vậy, các nhà điều tra không loại trừ có sự can thiệp của một bên thứ ba.
Tuy nhiên, theo ông Kok Soo Chon, người đứng đầu nhóm điều tra, không có bằng chứng nào cho thấy máy bay bị điều khiển từ xa. “Chúng tôi có thể kết luận, MH370 đã chuyển hướng nhưng không do trục trặc kỹ thuật. Máy bay chuyển hướng không phải do chế độ tự động lái mà do điều khiển bằng tay”, ông Kok Soo Chon cho biết.
Các nhà điều tra Malaysia và quốc tế xem xét nguyên nhân MH370 bay cách lộ trình hàng ngàn dặm trước khi lao xuống Ấn Độ Dương và mất tích vào ngày 8-3-2014. Theo ông Kok Soo Chon, các phi công không có biểu hiện bất thường.
Cơ trưởng 53 tuổi Zaharie Ahmad Shah của MH370 có kinh nghiệm 18.000 giờ bay, không có tiền sử bệnh thần kinh hay phải điều trị tâm lý. Nội dung ghi âm chuyến bay cũng không cho thấy cơ trưởng trong trạng thái tâm lý không bình thường.
Về thông tin cho rằng, điện thoại của Shah được sử dụng sau khi máy bay mất tín hiệu, các nhà điều tra xác nhận có sóng phát ra vào buổi sáng thời điểm máy bay mất tích, nhưng đó chỉ là sóng báo hiệu chiếc điện thoại được bật chứ không thực hiện bất kỳ cuộc gọi nào.
Theo Reuters, tuy công bố báo cáo nhưng các nhà điều tra không xác định ai chịu trách nhiệm đối với vụ MH370 mất tích và báo cáo dày 495 trang cũng không kết luận được chuyện gì đã xảy ra với chiếc máy bay. Một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử hàng không thế giới vẫn chưa được giải đáp mặc dù công tác điều tra với sự tham gia của nhiều nước đã kéo dài hơn 4 năm.
“Câu trả lời sẽ có khi tìm thấy xác máy bay”, ông Kok Soo Chon nói với báo giới. Đến nay, các nhà chức trách đã tìm thấy 27 mảnh vỡ tại nhiều địa điểm khác nhau trên khắp thế giới nhưng chỉ 3 mảnh vỡ ở Ấn Độ Dương được cho là của MH370.
Trước đó, ngày 29-5, Malaysia ngừng chiến dịch tìm kiếm kéo dài 3 tháng do Công ty Ocean Infinity của Mỹ thực hiện. Cuộc tìm kiếm trải rộng trên diện tích 112.000 km2 ở nam Ấn Độ Dương nhưng không có phát hiện đáng kể nào.
Năm 2017, Úc, Trung Quốc và Malaysia cũng phối hợp tìm kiếm trên phạm vi 120.000 km2 với chi phí lên đến hơn 147 triệu USD nhưng không thu được kết quả.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cũng khẳng định, chính phủ nước ông sẽ xem xét nối lại chiến dịch tìm kiếm nếu có manh mối mới. Song, thời gian trôi qua, các nhà điều tra dường như vẫn luẩn quẩn với những giả thuyết và phỏng đoán.
Từ giả thuyết ban đầu đặt ra là máy bay đã đổi hướng bay và rơi tại vùng biển phía Nam Ấn Độ Dương ngoài khơi bờ biển tây nước Úc, đến nay có tổng cộng 60 giả thuyết được xem xét. Tháng 5 vừa qua, Cục An toàn giao thông Úc (ATSB) đề cập khả năng chiếc máy bay bị điều khiển để lao xuống biển một cách cố ý. “Sự việc đã được lên kế hoạch có chủ ý suốt thời gian dài”, ông Martin Dolan, cựu lãnh đạo ATSB, từng chỉ huy chiến dịch tìm kiếm MH370 nhận định.
Trong khi đó, các gia đình nạn nhân bày tỏ sự thất vọng, thậm chí tức giận khi các nhà chức trách không thể trả lời câu hỏi của họ về nguyên nhân máy bay mất tích và báo cáo mới nhất có quá ít thông tin. Nhiều người đã rời cuộc họp báo trong sự giận dữ.
“Tôi quá thất vọng”, bà Intan Maizura Othman có chồng mất tích trong chuyến bay MH370 bày tỏ. “Nhiều người đã đặt câu hỏi nhưng đều không hài lòng về câu trả lời nên họ đã phản ứng tức giận”, G. Subramaniam có con trai trên chuyến bay MH370 nói.
BÌNH YÊN