Tổng tuyển cử ngày 29-7 tại Campuchia là cuộc bầu cử lần thứ 6 của đất nước Chùa Tháp kể từ năm 1993, theo đó sẽ quyết định sự phát triển ổn định và bền vững của đất nước này trong những năm tới.
Thủ tướng Hun Sen hiệu triệu toàn dân tham gia bỏ phiếu. Ảnh: AFP |
Ngày 29-7, hơn 82,7% trong số 8,3 triệu cử tri Campuchia đăng ký bầu cử tham gia bỏ phiếu bầu 125 nghị sĩ Quốc hội. Ngay từ sáng sớm, Thủ tướng Hun Sen (65 tuổi) cùng phu nhân Bun Rany có mặt tại điểm bỏ phiếu ở tỉnh Kandal để thực hiện nghĩa vụ công dân. Ông Hun Sen mỉm cười với các cử tri trước khi bỏ lá phiếu của mình và giơ những ngón tay còn lem vết mực trước ống kính truyền thông. Các điểm bỏ phiếu đóng cửa lúc 15 giờ. Kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày 11-8 tới.
Có tới 19 đảng phái chính trị cùng tranh cử với đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền của ông Hun Sen. Song, tất cả đều là những đảng nhỏ, chưa tạo được nhiều dấu ấn nên cơ hội chiến thắng với CPP gần như là chắc chắn.
Đảng Cứu quốc (CNRP) - đảng đối lập lớn từng thất bại ở khoảng cách hẹp với CPP trong mùa tổng tuyển cử năm 2013 - lần này không được phép tranh cử. Tháng 9 năm ngoái, các nhà chức trách Campuchia bắt giữ thủ lĩnh CNRP Kem Sokha và cáo buộc ông này tội phản quốc. Hai tháng sau đó, Tòa án Tối cao Campuchia tuyên bố giải thể CNRP vốn nắm giữ 55/123 ghế của Quốc hội sau khi phát hiện đảng này âm mưu lật đổ chính quyền.
Trước những cáo buộc về một số vấn đề liên quan đến bầu cử, chính phủ của Thủ tướng Hun Sen khẳng định đây là cuộc tổng tuyển cử công bằng, tự do. “Cuộc bầu cử là ý chí và quyền lực của nhân dân Campuchia. Người dân Campuchia quyết tâm gìn giữ hòa bình và ổn định”, người phát ngôn chính phủ Phay Siphan trả lời phỏng vấn truyền thông quốc tế. Trong bài phát biểu ngày 27-7, ông Hun Sen cũng hiệu triệu toàn dân tham gia bỏ phiếu.
Để bảo đảm tính chính xác, công bằng và ngăn chặn việc bỏ phiếu nhiều hơn một lần, Ủy ban Bầu cử quốc gia (NEC) sử dụng loại mực không thể xóa để bôi vào ngón tay của cử tri. Có khoảng 80.000 quan sát viên, trong đó có hàng chục quan sát viên quốc tế, được chính phủ Campuchia cấp phép hoạt động trong quá trình bầu cử. Ngày 28-7, đích thân Thủ tướng Hun Sen gặp gỡ các quan sát viên quốc tế, trong đó có các phái đoàn của Nga, Trung Quốc và Indonesia. Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản từ chối cử đoàn quan sát viên đến Campuchia.
Bên cạnh những cử tri mong muốn có sự đổi mới khác, nhiều cử tri Campuchia vẫn bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Thủ tướng Hun Sen, người đã mang lại hơn 30 năm hòa bình và ổn định cho đất nước, tạo điều kiện để quốc gia Đông Nam Á này phát triển kinh tế. Nhiều tòa nhà chọc trời đã mọc lên cùng các dự án lớn có vốn đầu tư nước ngoài được triển khai trong những năm qua. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Campuchia là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế ổn định trong khu vực, với tốc độ tăng trưởng bền vững 7%/năm. Thu nhập bình quân đầu người từ 1.042 USD năm 2013 tăng lên 1.563 USD năm 2018.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong 5 năm qua, CPP đã thực hiện thành công công cuộc cải tổ, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, hành chính công, phù hợp với sự phát triển của xã hội và mong đợi của người dân. Những gói an sinh xã hội được thực hiện như gói bảo hiểm y tế dành cho mọi người dân, chế độ hưu trí được nâng cao, gói kinh tế dành cho công nhân, nông dân và học sinh, sinh viên… Đặc biệt, Campuchia đang hướng đến tầm nhìn là đất nước có thu nhập ở mức trung bình cao trong năm 2030, đất nước có thu nhập cao trong năm 2050; trở thành quốc gia văn minh, phát triển trong khu vực; xây dựng xã hội hài hòa không chiến tranh, không có hành động diệt chủng và phá hoại nội bộ. Trong những thành tựu đó, vai trò của Thủ tướng Hun Sen rất quan trọng. “Ông Hun Sen đã trưởng thành trong gian khó nên ông ấy hiểu rõ các vấn đề của chúng tôi”, anh Sok Dorn - một người làm nghề bán mì chia sẻ.
TRẦN ĐẮC LUÂN