Chính trường Anh chao đảo vì Brexit

.

Chỉ trong gần 2 tuần, Thủ tướng Anh Theresa May nhận đến 9 đơn từ chức của các thành viên chính phủ nhằm phản đối kế hoạch “Brexit mềm”. Bản thân bà đối mặt với sức ép chưa từng có ngay trong nội bộ đảng Bảo thủ.

Thủ tướng Anh Theresa May đang thúc đẩy tiến trình đàm phán Brexit với EU.  Trong ảnh: Bà Theresa May (phải) gặp gỡ Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại một hội nghị thượng đỉnh EU. 					Ảnh: Getty Images
Thủ tướng Anh Theresa May đang thúc đẩy tiến trình đàm phán Brexit với EU. Trong ảnh: Bà Theresa May (phải) gặp gỡ Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại một hội nghị thượng đỉnh EU. Ảnh: Getty Images

Theo báo Mail Online, tiến trình Brexit tiếp tục gặp khó khăn khi Thủ tướng May vấp phải những phản ứng gay gắt của các nghị sĩ về kế hoạch rời Liên minh châu Âu (EU). Nhà lãnh đạo Anh đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong Quốc hội vào đêm 17-7 với 307 phiếu thuận và 301 phiếu chống, điều này có ý nghĩa quan trọng đối với vị trí lãnh đạo của bà. Song, ngày 18-7, bà trải qua thêm một ngày khó khăn khi cựu Ngoại trưởng Boris Johnson chính thức có bài phát biểu từ chức và bản thân bà phải trả lời những câu hỏi từ Ủy ban 1922 của các nghị sĩ cấp cao trong đảng Bảo thủ.

Hãng Reuters dẫn lời một nghị sĩ Anh ngày 18-7 cho biết, các nghị sĩ thân EU đã dọa tổ chức tổng tuyển cử ngay trong hè này nếu họ đánh bại được kế hoạch Brexit của Thủ tướng May, trong đó có dự luật Thuế quan. Nghị sĩ Anna Soubry xác nhận với đài BBC rằng, khả năng bầu cử quốc gia đã được các nhà lập pháp đề cập. Tuyên bố này là minh chứng rõ ràng về sự rạn nứt sâu sắc trong nội bộ đảng Bảo thủ. 

Báo The Times lại đưa tin, chính bà May đã dọa các nghị sĩ “nổi loạn” trong đảng Bảo thủ về khả năng diễn ra cuộc tổng tuyển cử vào mùa hè này, nếu họ khiến kế hoạch thuế quan thất bại trong tiến trình Brexit.

Thực tế, đảng Bảo thủ lo sợ việc mạo hiểm tổ chức tổng tuyển cử sớm bởi một sự kiện như vậy diễn ra sẽ dễ dàng mang đến chiến thắng cho ông Jeremy Corbyn, lãnh đạo Công đảng. Một mặt, Công đảng cũng cho rằng, phải tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề Brexit hồi tháng 6-2016 nhưng mặt khác lại tấn công Thủ tướng May xung quanh những rạn nứt trong đảng của bà.

Chính trường nước Anh vẫn bất đồng nghiêm trọng về vấn đề Brexit. Kế hoạch “Brexit mềm” của bà May với việc duy trì quan hệ thương mại chặt chẽ cùng EU sau khi rời khối và có một thỏa thuận làm cơ sở để nước Anh nằm trong Liên minh Thuế quan EU khiến hàng loạt thành viên nội các từ chức, đầu tiên là Bộ trưởng Brexit David Davis, tiếp đó là Ngoại trưởng Boris Johnson và một số bộ trưởng khác. Ông Robert Courts cũng đã từ chức Phó Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh. Mới đây nhất, ông Guto Bebb - quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng từ chức để phản đối việc chính phủ chấp thuận những sửa đổi dự luật Thuế quan do các nghị sĩ ủng hộ Brexit đưa ra. Các thành viên nội các Anh cho rằng, việc sửa đổi dự luật sẽ tạo ra nhiều hạn chế cho chính phủ trong việc thúc đẩy chính sách thương mại độc lập sau khi Anh rời EU vào tháng 3-2019.

Tân Bộ trưởng Brexit Dominic Raab sẽ có chuyến công cán đầu tiên đến Brussels (Bỉ) để gặp gỡ ông Michel Barnier, Trưởng đoàn đàm phán EU. Trong lúc đó, EU vẫn đặt điều kiện cứng rắn đối với Anh nếu muốn duy trì giai đoạn quá độ hậu Brexit. Nghị sĩ Pieter Omtzigt của Hà Lan lo lắng: “Chúng ta đang tích cực chuẩn bị cho một Brexit cứng. Nhưng điều nguy hiểm thật sự không phải là một Brexit cứng mà là một Brexit hỗn loạn”.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.
.