Chính trường Đức rối ren vì khủng hoảng nhập cư

.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đối mặt với áp lực lớn khi các đối tác trong đảng cầm quyền nhóm họp để quyết định hành động sau tuyên bố của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề nhập cư.

Vấn đề tiếp nhận người nhập cư đang gây khủng hoảng chính trường Đức và gây khó cho Thủ tướng Angela Merkel. 			Ảnh: AP
Vấn đề tiếp nhận người nhập cư đang gây khủng hoảng chính trường Đức và gây khó cho Thủ tướng Angela Merkel. Ảnh: AP

Thỏa thuận của các thành viên EU về vấn đề nhập cư mà Thủ tướng Angela Merkel mang về từ Brussels (Bỉ) có thể không làm đảng Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo (CSU) hài lòng.

Dù các nhà lãnh đạo EU đã thống nhất thiết lập các trung tâm kiểm soát bên trong lòng châu Âu để xúc tiến các thủ tục tiếp nhận đăng ký tị nạn; xem xét xây dựng các cơ sở tị nạn bên ngoài EU, hầu hết ở Bắc Phi, nhằm ngăn chặn những người di cư và tị nạn tràn vào châu Âu, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ với CSU.

Lãnh đạo CSU - Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer dự kiến đưa ra giải pháp mới trong việc kiểm soát biên giới, trong đó gửi trả những người nhập cư bất hợp pháp về khu vực biên giới. Trước đó, CSU đã đồng ý cho Thủ tướng Merkel 2 tuần để tìm kiếm thỏa thuận với các nước khác trong EU, tránh việc bà phải điều chỉnh chính sách nhập cư, hoặc phải từ chức.

Trong văn kiện gửi CSU và cả đảng Dân chủ Xã hội (SPD) - 2 đảng trong đại liên minh cùng đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU), nữ Thủ tướng Đức đề cập thỏa thuận riêng rẽ với tổng cộng 14 nước, trong đó có Pháp và các nước Trung Âu vốn chỉ trích gay gắt chính sách nhập cư của bà, như Cộng hòa Czech, Hungary, Ba Lan. Tuy nhiên, Cộng hòa Czech và Ba Lan đã bác bỏ việc đạt được bất kỳ thỏa thuận nào như thế.

Bà Merkel cũng đề xuất rằng, những người tị nạn đến Đức đã đăng ký tại một quốc gia EU khác thì nên được đưa đến các trung tâm tạm trú đặc biệt. Trong khi đó, chính sách nhập cư mới do Bộ trưởng Seehofer đưa ra không tiếp nhận tại biên giới Đức những người tị nạn đã đăng ký nhập cảnh vào một nước khác trong EU và có dấu vân tay được lưu trong hệ thống Eurodac.

Ông Seehofer muốn châu Âu bảo vệ hiệu quả biên giới và phân phối hợp lý những người có quyền cư trú, đồng thời nhanh chóng trục xuất những người không có quyền cư trú. Sự bất đồng này đe dọa sẽ phá vỡ đại liên minh và chính phủ mới 3 tháng của bà Merkel có nguy cơ sụp đổ.

Đối với CSU, cuộc bầu cử tại Bavaria - bang giàu có nhất nước Đức và cũng là thành trì của đảng này - vào đầu tháng 10 tới mới là điều quan trọng. Nếu không cứng rắn trong vấn đề nhập cư, CSU có thể bị cử tri Bavaria trừng phạt và việc mất bang này còn nghiêm trọng hơn cả không tham gia chính phủ liên minh.

Theo Reuters, Thủ tướng Merkel sẽ buộc phải sa thải ông Seehofer, dẫn đến việc CSU rút khỏi đại liên minh và bà đương nhiên mất đa số ghế trong Quốc hội. Nhiều kịch bản được đặt ra: một là, bà Merkel tiếp tục làm Thủ tướng và điều hành một chính phủ thiểu số; chính phủ của CDU và SPD có thể kỳ vọng vào sự ủng hộ của đảng Xanh, đảng Dân chủ Tự do (FDP) và thậm chí một vài cá nhân CSU trong một số trường hợp để thông qua các chính sách.

Hai là, một cuộc bầu cử mới được tổ chức và trao sức mạnh cho đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) theo đường lối cực hữu và dân túy. Song, hầu hết các nhà phân tích cho rằng, các đảng lớn hơn AfD sẽ cố gắng tránh kịch bản thứ hai này.

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier có thể tìm cách xoa dịu căng thẳng và tìm một giải pháp “ít tồi tệ nhất” nhưng vấn đề là quyền lực của bà Merkel sẽ bị suy yếu đáng kể chỉ 3 năm sau quyết định mở cửa biên giới Đức để tiếp nhận người di cư từ Syria, Iraq và nhiều nơi khác.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.
.