EU kêu gọi tránh khủng hoảng thương mại

Ngày 16-7, Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) Donald Tusk kêu gọi Mỹ, Trung Quốc và Nga hợp tác để giảm không khí căng thẳng thương mại toàn cầu.

Phát biểu sau cuộc họp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh thường niên EU - Trung Quốc, ông Tusk khẳng định: “Trách nhiệm chung của châu Âu và Trung Quốc, cũng như của Mỹ và Nga, là không phá hủy trật tự thương mại toàn cầu mà phải cải thiện nó, không châm ngòi cho các cuộc chiến thương mại mà lịch sử đã nhiều lần chứng minh sẽ biến thành các xung đột. Vẫn còn thời gian để ngăn chặn xung đột và hỗn loạn”.

Theo ông Tusk, điều thế giới cần là một tiến trình cải tổ thương mại, chứ không phải đối đầu thương mại. Ông kêu gọi nước chủ nhà Trung Quốc - cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu tiến trình này thông qua chương trình cải cách xuyên suốt của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Song, ông Tusk chưa nêu cụ thể đó là các hình thức cải cách nào. EU, với 28 nước thành viên và 500 triệu dân, đang tìm cách chống đỡ khi đối mặt với chủ nghĩa bảo hộ của chính phủ Mỹ trong lúc Washington duy trì chính sách “Nước Mỹ trên hết”. Trước thềm cuộc gặp với Tổng thống Putin tại thủ đô Helsinki của Phần Lan, Tổng thống Trump thậm chí xếp Nga, EU và Trung Quốc vào danh sách “kẻ thù” của Mỹ trong lĩnh vực thương mại. 

Cùng ngày, Trung Quốc cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý II-2018 của nước này là 6,7%, giảm nhẹ so với con số 6,8% của quý trước. Người phát ngôn Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc Mao Thịnh Dũng nhận định: “Bất đồng thương mại do Mỹ đơn phương gây ra với Trung Quốc sẽ tác động đến nền kinh tế của Trung Quốc và Mỹ. Trong bối cảnh kinh tế thế giới hội nhập sâu rộng, các chuỗi công nghiệp đã được toàn cầu hóa, nhiều quốc gia liên quan khác cũng sẽ bị ảnh hưởng”.

KHANG NINH

;
.
.
.
.
.
.