Khi quan hệ đồng minh đặt sau lợi ích quốc gia

.

Chuyến công du của Tổng thống Mỹ Donald Trump đến châu Âu với 4 điểm dừng chân: Bỉ, Anh, Scotland và Phần Lan, được cho là phép thử về mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương. Những gì ông Trump thể hiện cho thấy, với chính sách “nước Mỹ trên hết”, Washington đang ngày càng xa rời đồng minh truyền thống.

Cuộc gặp gỡ với Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) là sự kiện quan trọng nhất trong chuyến công du châu Âu của Tổng thống Mỹ Donald Trump.	Ảnh: Reuters
Cuộc gặp gỡ với Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) là sự kiện quan trọng nhất trong chuyến công du châu Âu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Tổng thống Donald Trump rời Brussels (Bỉ) vào ngày 13-7, để lại sự hoang mang, nghi ngại trong các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Có thể nói, chưa bao giờ hội nghị thượng đỉnh của khối gồm 29 thành viên lại bị sóng gió bủa vây như thế.

Ngoài việc bất ngờ đòi các đồng minh tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng, từ 2% lên 4% GDP, ông Trump còn chỉ trích Đức, sau đó chỉ trích Anh ngay trước khi đến London.

“Nước Mỹ trên hết”

Các nhà phân tích cho rằng, chính sách “nước Mỹ trên hết” được Tổng thống Trump mang đến Brussels, nghĩa là ông chỉ làm những gì có lợi cho nước Mỹ, phớt lờ lợi ích của các đồng minh truyền thống.

Đòi các đồng minh tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng ngay lập tức, chứ không đợi đến năm 2024, Mỹ vừa muốn giảm gánh nặng về tài chính cho chính mình, vừa muốn các thành viên NATO mua vũ khí của cường quốc này nhiều hơn.

Chỉ trích Đức dựa dẫm quá nhiều vào Nga về năng lượng, chẳng hạn trong dự án đường dẫn khí đốt Nord Stream 2, ông Trump muốn Berlin giảm “bắt tay” với Mátxcơva để nhập khẩu năng lượng từ Washington.

Mối quan hệ giữa Mỹ và đồng minh lâu đời bị rạn nứt kể từ khi ông Trump trở thành Tổng thống và áp dụng chính sách “Nước Mỹ trên hết”.

Ông đã đảo ngược chủ trương của những người tiền nhiệm, rút Mỹ khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu, thỏa thuận hạt nhân Iran; áp thuế đối với sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU).

Hơn nữa, Washington còn dọa đánh thuế 20% đối với mặt hàng ô-tô của châu Âu, làm gia tăng lo ngại về một cuộc chiến thương mại có thể “phủ bóng” lên tăng trưởng kinh tế ở hai bờ Đại Tây Dương.

Ông Trump cũng đã chỉ trích NATO tệ hại như Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), thậm chí còn nói đùa về việc thay đổi quan hệ với NATO thành “hợp tác kiểu thời vụ”. Các nước châu Âu dường như không hiểu ông chủ Nhà Trắng thật sự muốn điều gì.

Tam giác Mỹ - Nga - EU

Mọi ánh nhìn đang hướng về thủ đô Helsinki của Phần Lan xem cuộc gặp thượng đỉnh “để đời” giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin ngày 16-7 diễn ra như thế nào. Nhiều khả năng cuộc gặp này sẽ “dễ chịu” hơn, với những cái bắt tay nồng ấm và thực chất hơn, như ông Trump đã nói đây là “chặng dễ dàng nhất” trong chuyến công cán.

Song, chính vì dễ dàng như vậy nên châu Âu không khỏi lo ngại, bởi họ không mong muốn Mỹ xa rời đồng minh truyền thống để xích lại gần Nga, nhất là khi ông Trump đã kêu gọi Mátxcơva trở lại khối G7. Sau những căng thẳng xung quanh việc bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga, khủng hoảng ở đông Ukraine, cuộc xung đột tại Syria, mối quan hệ “tan băng” giữa Mỹ và Nga có thể làm suy yếu các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Mátxcơva. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cảnh báo, Tổng thống Trump không nên đánh đổi lợi ích của các đồng minh châu Âu để đi đến các thỏa thuận đơn phương với Nga.

Tuy nhiên, ngay trước cuộc gặp ở Helsinki, Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố kết luận điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller về cái gọi là sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, đồng thời kết tội 12 nhân viên tình báo quân đội Nga xâm nhập mạng máy tính của Ủy ban Toàn quốc đảng Dân chủ (DNC) và hộp thư điện tử của ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton.

Tổng thống Trump rõ ràng rơi vào thế khó xử, còn phía Nga cho rằng động thái ngỡ ngàng của Bộ Tư pháp Mỹ nhằm phá hỏng cuộc gặp thượng đỉnh ở Helsinki.

Giờ đây, nếu thân thiện với Nga, Tổng thống Trump sẽ vấp phải phản ứng từ trong nước. Nhưng nếu ông giữ quan điểm cứng rắn, quan hệ giữa hai nước sẽ không có gì đột phá và cuộc gặp lịch sử này có thể chỉ mang tính biểu tượng.

Tổng thống Donald Trump sẽ tái tranh cử vào năm 2020

Trả lời phỏng vấn báo Mail của Anh ngày 15-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông có ý định tranh cử nhiệm kỳ 2 vào năm 2020 bởi mọi người muốn ông làm như vậy. Tổng thống Trump cũng nói rằng, sẽ không có ứng viên nào của đảng Dân chủ có thể đánh bại ông. “Tôi biết họ và tôi không thấy ai (có thể đánh bại)... Họ không có ứng cử viên phù hợp”, ông Trump nói. 

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.
.