Mỹ "đòi tiền" đồng minh NATO

.

Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra vào ngày 11 và 12-7 tại Brussels (Bỉ) bị phủ bóng bởi căng thẳng giữa Mỹ với các đồng minh, nhất là khi Tổng thống Donald Trump khăng khăng đòi các nước rót tiền cho quốc phòng như cam kết.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Brussels (Bỉ) tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Brussels (Bỉ) tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO. Ảnh: AP

Tổng thống Donald Trump đến Brussels vào ngày 11-7 với một mục tiêu: yêu cầu các đồng minh rót tiền nhiều hơn, bảo đảm mục tiêu tất cả thành viên NATO đều dành 2% GDP cho ngân sách quốc phòng vào năm 2024, thay vì “ăn bám” Mỹ.

Tổng thống Trump nói rằng, những nỗ lực của ông đã thúc đẩy các thành viên NATO đóng góp nhiều hơn cho ngân sách quốc phòng của liên minh nhưng vẫn chưa đủ để bù đắp gánh nặng của những người nộp thuế ở Mỹ.

“Trong năm qua, các nước đã đóng góp thêm khoảng 40 tỷ USD để giúp NATO nhưng chừng đó không đủ. Mỹ đã chi trả quá nhiều trong khi các nước khác không trả đủ, nhất là một số nước”, ông Trump nói với báo giới, đồng thời cho rằng đây là điều bất hợp lý và không công bằng với những người nộp thuế ở Mỹ. “Liệu họ có bồi hoàn cho Mỹ?”, ông Trump viết trên Twitter trước khi đến Brussels.

Nếu đóng góp 2% thì sẽ có thêm khoảng 100 tỷ USD được các nước thành viên NATO chi cho quốc phòng mỗi năm. Mục tiêu này được đề ra từ hội nghị thượng đỉnh NATO tại xứ Wales (Vương quốc Anh) năm 2014 và ông Trump muốn các nước đồng minh đẩy nhanh kế hoạch đóng góp, chứ không chờ đến năm 2024 bởi Mỹ không thể “hào phóng” mãi được.

Theo báo Washington Post, một số nhà hoạch định chính sách không đồng ý việc châu Âu cần chi tiêu nhiều hơn để bảo đảm an ninh của chính “lục địa già” này.

Song, nhiều nhà ngoại giao châu Âu lại thừa nhận, các nước đã phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng. Một số nhà lập kế hoạch quân sự lại nhấn mạnh, 2% GDP không phải là “con số ma thuật” để bảo đảm việc phòng thủ mạnh mẽ…

Vì vậy, mọi sự chú ý tại hội nghị thượng đỉnh NATO lần này dường như dồn vào Tổng thống Trump, xem thái độ của ông đối với đồng minh như thế nào. Trong cái nhìn của ông, NATO chẳng những đã “lỗi thời” mà còn “không chịu chia sẻ gánh nặng tài chính” và “tệ không kém gì NAFTA” - Hiệp định thương mại Bắc Mỹ. Có những hoài nghi ông chủ Nhà Trắng sẽ chẳng ngại ngần “thẳng tay” với NATO để “dọn đường” cho cuộc gặp gỡ giữa ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thủ đô Helsinki của Phần Lan trong vài ngày tới.

Một quan chức cấp cao châu Âu nói với hãng CNN rằng, các thành viên NATO đã lường trước kịch bản xấu nhất tại hội nghị trong trường hợp Tổng thống Trump lặp lại lời đe dọa chấm dứt hoặc hạn chế hợp tác quốc phòng với những nước không đóng góp đủ 2% GDP. Nếu điều này xảy ra sẽ phá vỡ sự liên kết và tính phòng vệ tập thể, vốn là bản chất của NATO, nhưng sẽ làm hài lòng Nga.

Sự tức giận của ông Trump về chi phí cho quốc phòng có thể phủ bóng lên tất cả những nội dung thỏa thuận mà Mỹ và các nước châu Âu dự kiến thống nhất tại Brussels. Tuy nhiên, theo ông James Carafano, chuyên gia hàng đầu của Heritage Foundation, Tổng thống Trump có thể sẽ không “thổi phồng” những khác biệt giữa Mỹ với châu Âu tại Brussels.

Hiện chỉ 8 trong số 29 nước thành viên NATO đáp ứng mục tiêu chi tương đương 2% GDP cho quốc phòng, bao gồm: Mỹ, Anh, Hy Lạp, Ba Lan, Latvia, Estonia, Romania và Lithuania.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.