Tên lửa "đũa thần" Israel lần đầu khai hỏa nhằm vào tên lửa Syria

.

Tên lửa mệnh danh "đũa thần" của Israel được phóng đi sau khi có đánh giá ban đầu rằng, 2 tên lửa SS-21 của Syria sẽ tấn công vào cao nguyên Golan.

Reuters đưa tin, ngày 23-7, Israel đã kích hoạt hệ thống phòng không mới nhất của mình ở biên giới với Syria, nơi các lực lượng Chính phủ Syria đã giành chiến thắng trước lực lượng nổi dậy. Động thái này diễn ra trong bối cảnh phái đoàn Nga do Ngoại trưởng Sergei Lavrov dẫn đầu đang có chuyến thăm tới Israel để đưa ra những lời kêu gọi “khẩn cấp” đối với Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Hệ thống đánh chặn tên lửa tầm trung David's Sling trong một lần thử nghiệm. Ảnh: Bộ Quốc phòng Israel.
Hệ thống đánh chặn tên lửa tầm trung David's Sling trong một lần thử nghiệm. Ảnh: Bộ Quốc phòng Israel.

Ngoài ông Lavrov, Thủ tướng Israel Netanyahu còn gặp Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov. Các cuộc gặp này đã được sắp xếp vào tuần trước theo đề nghị của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Israel đang nâng cảnh báo lên mức “rất cao” khi lực lượng của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad giành lại quyền kiểm soát các phần lãnh thổ ở phía Tây Nam từ tay phiến quân nổi dậy, đưa quân đội Syria tới gần cao nguyên Golan, phần hiện nằm dưới sự chiếm đóng của Israel.

Trong một dấu hiệu cho thấy căng thẳng leo thang không ngừng trong khu vực, Israel đã phóng hai tên lửa bằng hệ thống đánh chặn tên lửa tầm trung David's Sling (Ná của David) để đánh chặn các tên lửa mà quân đội Israel nói là được phóng từ lãnh thổ Syria.

Lần đầu tiên sử dụng David’s Sling

Đây là lần đầu tiên Israel công khai sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa David's Sling do công ty Raytheon Co. của Mỹ và đối tác Israel hợp tác sản xuất.

Một nguồn tin từ Israel cho biết, các tên lửa đánh chặn đã được phóng đi sau khi có đánh giá ban đầu cho rằng, hai tên lửa SS-21 của Syria sẽ tấn công vào cao nguyên Golan. Tuy nhiên, sau đó, ngay khi Israel nhận ra quả tên lửa SS-21 sẽ rơi xuống phần lãnh thổ của Syria, tên lửa được phóng đi từ hệ thống David's Sling đã nhận lệnh tự hủy trên không trung. Phía Israel cũng tung đòn đánh chặn của tên lửa thứ 2 của Syria nhưng không rõ nó có đánh trúng mục tiêu hay không.

Tờ Haaretz dẫn lời một số cư dân ở khu vực miền Bắc Israel cho biết, họ nghe thấy tiếng tên lửa phòng không phóng đi kèm theo vệt khói trắng trên bầu trời ngay sau khi có tiếng còi báo động tại thành phố Safed và các khu vực gần núi Hermon ở Cao nguyên Golan. Ít lâu sau, còi báo động cũng vang lên tại thành phố Golzrin ở Golan và các khu vực gần đó.

Tên lửa đánh chặn David's Sling có giá khoảng 1 triệu USD. Quân đội  Israel nhấn mạnh rằng khi phóng tên lửa phòng thủ, chi phí không được tính đến.

Hệ thống phòng thủ tên lửa David's Sling hay còn được gọi là “đũa thần” đi vào hoạt động hồi năm ngoái. Hệ thống này là sản phẩm hợp tác của Israel với nhà thầu quốc phòng Mỹ Raytheon. Nó được xem là lớp bảo vệ bổ sung cho hệ thống phòng không tinh vi nhiều lớp của Israel, đánh chặn tên lửa tầm ngắn và tầm trung, ngoài các hệ thống Iron Dome, Patriot và Arrow. David's Sling cũng có thể chặn máy bay không người lái.

Một nguồn tin giấu tên nói với Reuters cho biết, quân đội Israel vẫn chưa thực hiện một cuộc điều tra chính thức về vụ phóng 2 tên lửa nói trên. Khi được hỏi liệu Mỹ có liên quan gì đến vụ việc hay không, nguồn tin này cho biết: “Tôi chắc chắn điều đó sẽ xảy ra trong tương lai vì hai bên có lợi ích chung”.

Hiện Lầu Năm Góc chưa đưa ra bình luận nào về vụ việc.

Chuyến đi “khẩn cấp và quan trọng” của ông Lavrov

Trong một diễn biến liên quan, Nga đã cử một phái đoàn do Ngoại trưởng Sergei Lavrov dẫn đầu tới tham gia cuộc đàm phán "khẩn cấp" với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Chuyến đi được Phó Tổng thống Nga Grigory Karasin mô tả là “khẩn cấp và quan trọng”.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Ngoại trưởng Lavrov và Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, Tướng Valery Gerasimov đã thảo luận với Thủ tướng Netanyahu về những tiến bộ trong chiến dịch chống khủng bố ở miền Nam Syria, cũng như việc đảm bảo an ninh dọc biên giới Israel.

Trước đó, hôm 11-7, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bối cảnh Israel lo ngại việc quân đội của ông Assad tiến gần cao nguyên Golan có thể thách thức thỏa thuận thiết lập một vùng phi quân sự dọc biên giới chung ký kết hồi năm 1974.

Có thể thấy rõ, mối quan tâm chính của Israel là giữ cho Iran, vốn đang chiến đấu cùng các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad, cùng với đồng minh Hezbollah và các lực lượng khác tránh càng xa biên giới với Israel càng tốt. Trong khi đó, Nga, đồng minh chủ chốt của Tổng thống al-Assad, cho rằng việc hy vọng Iran rút hoàn toàn lực lượng khỏi Syria là điều không thực tế.

Một quan chức giấu tên của Israel cho biết nước này đã từ chối đề nghị của Nga giữ các lực lượng Iran tại Syria cách xa giới tuyến ngừng bắn tại Cao nguyên Golan ít nhất 100km.

Quan chức trên cho hay vấn đề này đã được đưa ra trong cuộc gặp ngày 23-7 giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và phái đoàn Nga, do Ngoại trưởng Sergei Lavrov dẫn đầu, đang ở thăm.  Người này cho biết thêm, ông Netanyahu đã nhấn mạnh với ông Lavrov rằng “chúng tôi sẽ không cho phép người Iran củng cố vị trí cho dù là cách biên giới 100km”.

Trong một tuyên bố trên truyền hình, Thủ tướng Netanyahu cho biết, ông đã tái khẳng định lập trường của Israel với phái đoàn Nga rằng: "Israel sẽ tiếp tục hành động chống lại bất kỳ nỗ lực của Iran và các lực lượng do nước này hậu thuẫn nhằm cố thủ quân sự ở Syria".

Theo VOV

;
.
.
.
.
.
.