Chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) được cho là nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Trung Đông.
Công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Khalifa ở thủ đô Abu Dhabi - khu hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và UAE. Ảnh: Tân Hoa xã |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thủ đô Abu Dhabi của UAE vào ngày 19-7 trong lúc hai nước đang thúc đẩy quan hệ thương mại và đầu tư, đồng thời Bắc Kinh muốn mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông vốn giàu nguồn năng lượng. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông Tập Cận Bình tái đắc cử Chủ tịch Trung Quốc nhiệm kỳ thứ hai hồi tháng 3-2018. Đồng thời, ông cũng là người đứng đầu nhà nước Trung Quốc đến UAE lần đầu tiên trong 29 năm qua.
Theo AP, Trung Quốc và UAE có giao dịch thương mại hằng năm khoảng 50 tỷ USD. Trước khi ông Tập Cận Bình đến Abu Dhabi, Đại sứ UAE bày tỏ hy vọng con số này sẽ tăng gấp đôi trong 10 năm tới.
Thống kê của chính phủ UAE cho hay, khoảng 200.000 công dân Trung Quốc sinh sống và 4.000 doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động ở quốc gia Trung Đông này. Hơn 1 triệu khách du lịch Trung Quốc đã đến UAE trong năm 2017. Tháng 1-2018, UAE là quốc gia thứ 11 cùng Trung Quốc thực hiện miễn thị thực lẫn nhau cho những người mang hộ chiếu phổ thông.
Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng UAE Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum gọi chuyến công cán của Chủ tịch Tập Cận Bình là “chuyến thăm lịch sử”, đồng thời khẳng định mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ cũng như các mối quan hệ về văn hóa - xã hội giữa nước ông với Trung Quốc. Trong khi đó, trả lời Tân Hoa xã, Đại sứ Trung Quốc Ni Jian cho rằng, quan hệ chiến lược giữa Bắc Kinh và UAE là điều không thể thiếu trong chính sách ngoại giao của cường quốc châu Á này, đặc biệt là liên quan đến sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Thực tế, Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng sang các nước Arab, vừa phục vụ mục đích kinh tế, vừa đối trọng với ảnh hưởng của Mỹ và châu Âu. Trung Đông vốn là điểm then chốt trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” - một sáng kiến thương mại, một chiến lược kinh tế khổng lồ kết nối Đông Á, Trung Á, Trung Đông, Bắc Phi và châu Âu thông qua mạng lưới cảng, đường sắt, các khu phát triển kinh tế và nhà máy năng lượng. Trong thời gian thăm UAE, ông Tập Cận Bình sẽ bàn thảo với các nhà lãnh đạo nước chủ nhà về dự án đầy tham vọng này cũng như các vấn đề khác như năng lượng, nông nghiệp, tài chính và nghiên cứu khoa học.
Từ năm 2016, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất trong thế giới Arab, với 32% (gần 30 tỷ USD) đầu tư trực tiếp nước ngoài. Mỹ là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ ba ở các nước Arab, chiếm 6,9 tỷ USD. Như vậy, Trung Đông thay vì chịu ảnh hưởng của phương Tây, nhất là Mỹ, nay dần dần xích lại gần Trung Quốc. Thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ thực hiện chiến lược “xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương”. Đến thời Tổng thống Donald Trump, ông chuyển hướng tập trung sang “Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương” nên Trung Đông dường như đang vụt khỏi tầm tay của Mỹ.
Mới đây, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng cam kết với các nhà lãnh đạo Arab rằng, Trung Quốc sẽ cho các nước này vay 20 tỷ USD để phát triển kinh tế. Khoản tiền này sẽ dành cho các dự án tạo ra những cơ hội việc làm tốt và những tác động xã hội tích cực ở các nước Arab đang có nhu cầu tái thiết. Ngoài ra, Bắc Kinh sẵn sàng cung cấp 150 triệu USD cho các nước trong khu vực nhằm tạo sự ổn định. Ông Tập Cận Bình cũng đề nghị viện trợ 15 triệu USD cho Palestine nhằm ủng hộ phát triển kinh tế; cung cấp 91 triệu USD cho Jordan, Lebanon, Syria và Yemen. Không những thế, một tập đoàn ngân hàng của Trung Quốc và các nước Arab sẽ được thiết lập.
Sau UAE, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Senegal, Rwanda, Nam Phi và tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 10 Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) tại thành phố Johannesburg (Nam Phi). Trong lộ trình trở về Bắc Kinh, ông sẽ dừng chân ở Mauritius. Chuyến công cán Trung Đông và châu Phi lần này kéo dài từ ngày 19-7 đến 24-7. |
THIÊN BÌNH