Vỡ đập thủy điện ở Lào, hàng trăm người mất tích

.

Hàng trăm người mất tích sau khi đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy, phía đông nam tỉnh Attapeu của Lào, bị vỡ vào đêm 23-7. Nguyên nhân ban đầu được cho là do mưa lớn kéo dài.

Người dân lên mái nhà chờ được cứu. 						Ảnh: Attapeu Today
Người dân lên mái nhà chờ được cứu. Ảnh: Attapeu Today

Hãng thông tấn Lào KLP cho biết, thảm họa vỡ đập xảy ra khiến khoảng 5 tỷ m3 nước (tương đương hơn 2 triệu hồ bơi đạt chuẩn Olympic) tràn xuống hạ lưu, làm “một số người chết và hàng trăm người mất tích”. Thông tin cũng cho hay, 6 ngôi làng ở huyện Sanamxay bao gồm: Yai Thae, Hinlad, Mai, Thasengchan, Tha Hin, Samong chìm trong biển nước. Trong đó, làng Hinlad và Mai chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ước tính tổng cộng 1.300 hộ dân với hơn 6.600 người bị mất nhà cửa.

Ngày 24-7, các nhà chức trách tìm thấy 28 thi thể tại huyện Sanamxay. Công tác cứu hộ, cứu nạn được tiến hành khẩn trương với việc triển khai thuyền để hỗ trợ sơ tán người dân ở huyện Sanamxay và tìm kiếm những người mất tích. Tuy nhiên, công tác cứu hộ gặp nhiều trở ngại do đường sá đi lại rất khó khăn. Chính quyền địa phương cũng kêu gọi hỗ trợ quần áo, thức ăn, nước uống, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác cho nạn nhân thảm họa. Ban Cứu hộ Trung ương Lào phối hợp với cơ quan các tỉnh Sekong, Attapeu và Sư đoàn 5 quân đội Lào triển khai chiến dịch cứu hộ, tiếp tế lương thực, thực phẩm...

Theo Reuters, đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy do Công ty Năng lượng Xepian-Xe Nam Noy (gọi tắt là PNPC) xây dựng, với công suất 410 MW, sản lượng hằng năm ước đạt 1.860 GWh. Dự án có vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, thực hiện theo hình thức BOT. PNPC là công ty liên doanh được thành lập vào năm 2012 giữa một doanh nghiệp nhà nước Lào với các công ty Hàn Quốc và Thái Lan.

Đập thủy điện dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2019. Theo đó, khoảng 90% lượng điện sản xuất sẽ được xuất khẩu sang Thái Lan, 10% còn lại được phân phối tại địa phương.

Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã hủy cuộc họp chính phủ hằng tháng để dẫn đầu đoàn quan chức đến huyện Sanamxay chỉ đạo cứu hộ, cứu trợ. PNPC cho biết, nguyên nhân gây vỡ đập là do mưa lớn kéo dài.

Theo thống kê, hiện Lào có 10 đập thủy điện đang hoạt động, 10-20 công trình đang xây dựng và hàng chục dự án đang lên kế hoạch. Trong nhiều năm qua, việc Lào xây dựng nhiều nhà máy thủy điện, đặc biệt là trên sông Mekong, gây quan ngại cho các nước vùng hạ lưu sông vì những tác động tiêu cực đến môi trường và nghề cá. Lượng điện này hầu hết được bán sang các nước láng giềng như Thái Lan.

Đến tối 24-7, vẫn chưa rõ có người Việt nào bị thiệt mạng trong vụ vỡ đập hay không. Tỉnh Attapeu có chung đường biên giới với tỉnh Kon Tum của Việt Nam nên nơi đây có nhiều người Việt đang sinh sống và làm việc. Đại sứ quán Việt Nam đang phối hợp với giới chức Lào để tiến hành công tác bảo hộ công dân nếu có người Việt bị ảnh hưởng.

Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Lào khắc phục hậu quả

Ngày 24-7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có điện thăm hỏi gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith và Thủ tướng Chính phủ Lào Thongloun Sisulith; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có điện thăm hỏi gửi Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã điện đàm với Thủ tướng Lào Thongloun Sisulith và khẳng định Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ nhân dân Lào anh em khắc phục hậu quả.

Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào cử cán bộ trực tiếp đến hiện trường bám sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại để cập nhật thông tin về người Việt Nam hoặc kiều bào tại khu vực bị ảnh hưởng, đồng thời sẵn sàng có các biện pháp hỗ trợ khi có người bị ảnh hưởng.

Trong trường hợp cần thiết, đề nghị liên hệ số điện thoại bảo hộ công dân tại Lào 008562096106775 hoặc tổng đài bảo hộ công dân 0084981848484.

TTXVN

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.
.