100 ngày tại nhiệm của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad: Hoàn thành 2/10 cam kết

.

Chính phủ của Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad vừa trải qua dấu mốc đầu tiên: 100 ngày tại nhiệm. Các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức thăm dò dư luận đều chăm chú theo dõi để đánh giá xem liên minh đảng cầm quyền Pakatan Harapan (PH) thực hiện 10 cam kết đưa ra trong 100 ngày đầu tiên như thế nào.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (trái) gặp gỡ Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại thủ đô Bắc Kinh ngày 20-8. 				     Ảnh: Tân Hoa xã
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (trái) gặp gỡ Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại thủ đô Bắc Kinh ngày 20-8. Ảnh: Tân Hoa xã

Cử tri hài lòng

Mặc dù đã xóa bỏ thuế hàng hóa và dịch vụ, ổn định giá xăng dầu, nhưng chính phủ liên minh PH của Thủ tướng Mahathir Mohamad vẫn còn tới 8/10 cam kết chưa hoàn thành. Dù vậy, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Mahathir vẫn rất cao (67%).

Theo tổ chức thăm dò độc lập Merdeka Centre, 2/3 số cử tri Malaysia dành những đánh giá tích cực với chính phủ. 71% bày tỏ hài lòng với cách lãnh đạo của Thủ tướng 93 tuổi.

Chuyên gia phân tích James Chin cho rằng, việc liên minh PH tập trung cải cách kinh tế và buộc tội cựu Thủ tướng Najib Razak xung quanh vụ bê bối tham nhũng quỹ đầu tư quốc gia Malaysia (1MDB) làm cử tri hài lòng.

Tuy nhiên, chuyên gia này cảnh báo, tình hình này có thể sớm thay đổi, các rắc rối sẽ xuất hiện ngay từ đầu năm 2019. “Tháng 10 tới, ngân sách sẽ được công bố, ngay trước đó là thời điểm liên minh PH phải đưa ra những quyết định khó khăn”, ông James Chin nói.

Cũng theo chuyên gia James Chin, câu hỏi đặt ra ở đây là liên minh PH có thể tiếp tục tiến hành toàn bộ những cải cách từ năm tới hay không. Vấn đề lớn nhất là sự chuyển giao quyền lãnh đạo: Có một phong trào rất lớn muốn ngăn cản ông Anwar Ibrahim nắm quyền.

Theo lộ trình chuyển giao quyền lực, cựu Phó Thủ tướng Anwar Ibrahim sẽ đảm nhiệm chiếc ghế thủ tướng từ ông Mahathir sau 2 năm nữa. Tuy nhiên, hiện nội bộ PH có những bất đồng giữa các phe nhóm và việc chuyển giao quyền lực được dự báo không đơn giản.

Khi ông Mahathir làm Thủ tướng vào những năm 1990, ông Anwar giữ vị trí Phó Thủ tướng và được xem là người kế nhiệm ông Mahathir. Tuy nhiên, đến năm 1998, hai ông bất đồng về cách giải quyết khủng hoảng tài chính châu Á.

Ông Anwar bị cách chức, sau đó bị kết án tù vì tội lạm quyền và quan hệ tình dục bất chính. Trong chiến dịch tranh cử hồi đầu năm nay, ông Mahathir tuyên bố sẽ chỉ làm Thủ tướng trong 1-2 năm và chuyển giao quyền lực cho ông Anwar nếu chính trị gia này được ân xá.

Hủy bỏ các dự án do Trung Quốc tài trợ

Thủ tướng Mahathir còn phải gánh vác một nhiệm vụ khó khăn hơn nữa với một số mục tiêu kinh tế khác, trong đó có việc giảm nợ công và duy trì tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh các nguy cơ toàn cầu nổi lên từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tình trạng sa sút của nhiều thị trường mới nổi.

Trong số 8 cam kết chưa hoàn thành, có cam kết quan trọng là đánh giá lại các dự án lớn do các quốc gia nước ngoài đảm trách. Theo sát những diễn biến trong chuyến công du 5 ngày của Thủ tướng Mahathir đến Trung Quốc (từ ngày 17-8), có thể thấy chính phủ của ông đang xúc tiến chậm rãi nhưng chắc chắn đối với cam kết này.

Trong cuộc họp báo khi kết thúc chuyến công du Trung Quốc, Thủ tướng Mahathir cho biết, nước ông sẽ hủy bỏ dự án Đường sắt bờ biển phía đông trị giá 20 tỷ USD và 2 đường ống dẫn khí đốt trị giá 2,3 tỷ USD do đối tác Trung Quốc bỏ vốn vì tình trạng khó khăn về tài chính hiện nay của Malaysia.

Tuy nhiên, chi tiết về việc hủy bỏ các dự án chưa được ông Mahathir công bố, trong đó có chuyện đền bù. “Trung Quốc hiểu các vấn đề của chúng tôi và họ đã đồng ý”, Thủ tướng Malaysia nói.

Cũng theo ông Mahathir, ưu tiên hàng đầu của chính phủ lúc này là giảm nợ công và các khoản vay. “Nếu chúng tôi phải đền bù, chúng tôi cũng sẽ phải trả. Đây là sự ngu ngốc của các cuộc thương lượng trước đây. Chúng tôi phải tìm cách để thoát ra những dự án này...”, ông Mohammad nói với báo South China Morning Post.

Trong nỗ lực kiểm soát nợ công và những trách nhiệm thanh toán pháp lý vượt quá 1.000 tỷ ringgit (khoảng 224 tỷ USD) do chính quyền tiền nhiệm “bỏ” lại, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad sẽ cắt giảm một số vị trí công việc trong chính phủ cũng như dừng một số dự án liên quan đối tác Trung Quốc.

TRẦN ĐẮC LUÂN 

;
.
.
.
.
.
.