Sự thay đổi thái độ của ông Trump với Iran khiến giới quan sát nghi ngờ đây có phải nước cờ hòng giúp ông đạt được thỏa thuận có lợi nhất cho Mỹ?
Chiến lược của ông Trump
Chỉ trong vòng 10 ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chỗ đưa ra lời cảnh báo lạnh người đối với Iran bỗng bất ngờ đổi giọng tuyên bố ông sẵn sàng gặp giới lãnh đạo “bất cứ lúc nào” mà không cần điều kiện tiên quyết. Tuyên bố của ông Trump đã khiến giới quan sát nghi ngờ, liệu đây có phải là chiêu bài nhằm giúp ông đạt được thỏa thuận có lợi nhất cho Mỹ hay không?
Tổng thống Mỹ Donald Trump đổi giọng đối với Iran. Ảnh: Reuters. |
Hãng tin AFP dẫn lời Tổng thống Donald Trump tại cuộc mít tinh ở Tampa, Florida cho biết, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran sắp diễn ra: “Tôi có cảm giác họ (Iran) sẽ nói chuyện với chúng tôi, hoặc có thể họ sẽ không nói và điều đó cũng không sao. Tổng thống Mỹ cũng lên án thỏa thuận hạt nhân Iran là “kinh khủng, một chiều” mà ông đã tuyên bố rút khỏi hồi tháng 5/2018.
Đề xuất đối thoại với Iran của ông Trump có thể coi là thiện chí, một dấu hiệu tích cực. Theo các nhà phân tích, phương thức ngoại giao mà ông Trump đang thực hiện với Iran tương tự những gì ông đã thực hiện với Triều Tiên. Tổng thống Trump đã áp đặt nhiều vòng trừng phạt, đồng thời đe dọa tấn công quân sự phủ đầu đối với Triều Tiên trước khi đồng ý gặp Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 6/2018. Cuộc gặp này đã dẫn đến một tuyên bố chung trong đó Triều Tiên cam kết thực hiện các nỗ lực nhằm phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.
Từ thành công trên, ông Trump cho rằng, chiến dịch gây sức ép kéo dài nhiều tháng và việc thực thi các biện pháp trừng phạt cứng rắn cũng sẽ buộc các nhà lãnh đạo Iran phải ngồi vào bàn đàm phán và cuối cùng dẫn đến cam kết từ bỏ chương trình hạt nhân từ phía Iran.
Hãng tin VOX dẫn lời ông Matthew Kroenig, chuyên gia nghiên cứu Iran tại Hội đồng Atlantic ở Washington nhận định, mục tiêu của chính quyền Tổng thống Donald Trump là gia tăng sức ép đối với Iran để buộc nước này phải tái đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân tốt hơn. “Các điều khoản tốt hơn sẽ đòi hỏi nhiều sức ép hơn. Lời đe dọa của ông Trump cùng các biện pháp trừng phạt cứng rắn đều nằm trong khuôn khổ chiến lược sâu rộng này”.
Tổng thống Trump từng bày tỏ hy vọng đàm phán với Iran để đạt được một thỏa thuận mạnh mẽ hơn thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký kết với nhóm P5+1 vào năm 2015, nhằm ngăn chặn quốc gia này theo đuổi việc phát triển vũ khí hạt nhân. Bên cạnh đó, mục tiêu của ông Trump cũng còn là ngăn chặn các hành vi của Iran mà Mỹ, các đồng minh vùng Vịnh và Israel cáo buộc gây bất ổn trong khu vực.
Phản ứng của Iran
Về phía Iran, chưa có dấu hiệu nào cho thấy, quốc gia Hồi giáo này sẽ ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ. Hiện tại, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đang phải chịu sức ép từ các thành viên trong nội các nhằm bày tỏ quan điểm cứng rắn hơn với Mỹ sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. Điều này khiến ông Rouhani ít có cơ hội chấp nhận đề xuất của ông Trump.
Hãng thông tấn Fars dẫn lời Phó Chủ tịch Quốc hội Iran cho biết, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran được coi là dấu hiệu của sự “hèn nhát”: “Các cuộc đàm phán với Mỹ chỉ mang lại sự “sỉ nhục”. Giờ không phải là thời điểm thích hợp cho Iran để đối thoại với Mỹ”.
Còn người đứng đầu Ủy ban đối ngoại Quốc hội Iran Heshmatollah Falahatpisheh khẳng định: “Chừng nào người Mỹ còn đưa ra các cuộc đàm phán với thái độ ép buộc, chừng đó sẽ không có đàm phán”. Ông Falahatpisheh cho rằng, sẽ hữu ích để tạo ra một kênh liên lạc với Mỹ, song cho rằng những lời đe dọa của chính quyền ông Trump khiến việc thiết lập kênh ngoại giao như vậy khó thành hiện thực.
Trong thông báo đăng tải trên trang mạng Twitter, cố vấn của Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 31/7 cho biết, Mỹ nên quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết vào năm 2015 để mở đường cho các cuộc đàm phán. “Tôn trọng quyền lợi của Iran, giảm các hành vi gây thù địch và quay trở lại thỏa thuận hạt nhân là các bước cần thiết để mở đường cho cuộc đàm phán giữa Iran và Mỹ”.
Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đã làm giảm vai trò của những nhân vật chính trị theo trường phái ôn hòa và cải cách tại quốc gia Trung Đông này - những người tiên phong trong chính sách đối thoại, xem dỡ bỏ lệnh trừng phạt như đòn bẩy để đạt được sự thịnh vượng về kinh tế. Trái lại, các nhân vật chính trị có quan điểm cứng rắn với Mỹ và phương Tây lại giành được lợi thế, cho rằng quyết định của ông Trung giúp chứng minh quan điểm của họ là nước Mỹ không đáng tin cậy.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Iran cũng bị ảnh hưởng đáng kể sau quyết định của Mỹ. Hiện tại, các nhà lãnh đạo Iran đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp tràn lan, lạm phát tăng cao và đồng nội tệ sụt giảm giá trị ở mức kỷ lục. Trong phiên giao dịch ngày 31/7, 112.000 rial mới đổi được 1 USD.
Ngoài sự mất giá của đồng rial, việc Mỹ chuẩn bị tái áp trừng phạt đối với Iran cũng dẫn tới những cuộc biểu tình đường phố phản đối nạn đầu cơ trục lợi và tham nhũng. Theo dự kiến, Mỹ sẽ tái áp đặt gói trừng phạt kinh tế đầu tiên đối với Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào ngày 7/8/2018 tới đây. Lệnh trừng phạt sẽ bao gồm cấm Iran mua đồng USD, chặn giao dịch của Iran về vàng, các kim loại khác. Đặc biệt, xuất khẩu dầu thô của Iran có thể giảm 2/3 trong năm 2018 do các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ, gia tăng nguy cơ nguồn cung dầu toàn cầu có khả năng bị gián đoạn.
Áp lực cả về mặt chính trị lẫn kinh tế khiến ông Rouhani – người theo trường phái ôn hòa phải thay đổi quan điểm và trở nên cứng rắn hơn đối với Mỹ. Hồi đầu tháng 7, nhà lãnh đạo Iran đe dọa gây gián đoạn hoạt động vận chuyển dầu mỏ qua eo biển Hormuz, nếu các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ làm sụt giảm doanh thu từ dầu mỏ của Iran.
Điều kiện tiên quyết cho đối thoại
Hãng tin Sputnik dẫn lời nhà phân tích Mohammad Marandi, thuộc Đại học Tehran, thành viên trong nhóm đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran khẳng định: “Chỉ riêng việc Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã đủ lý do để Iran không ngồi vào bàn đàm phán”.
“Nếu Tổng thống Donald Trump muốn nghiêm túc giải quyết vấn đề giữa hai nước và hướng đến một cuộc đối thoại, ông ấy phải tuân thủ các thỏa thuận mà Mỹ đã đưa ra. Còn không thì sẽ chẳng có lý do gì để Iran tin rằng, sau các cuộc đàm phán trong tương lai, nếu hai bên đạt được thỏa thuận ông Trump lại không rút khỏi thỏa thuận đó thêm một lần nữa”.
Ông Mohammad Marandi nhấn mạnh: “Chừng nào nước Mỹ dưới thời ông Trump không quay trở lại thỏa thuận hạt nhân thì chừng đó sẽ không có đàm phán. Họ không đáng tin cậy đối với thỏa thuận hạt nhân. Thực tế là họ đã đe dọa người Iran và việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cho thấy họ không quan tâm đến việc giải quyết vấn đề giữa hai nước”.
Khi trả lời câu hỏi, tại sao Tổng thống Donald Trump lại đưa ra đề xuất đối thoại, chỉ 1 tuần trước khi các biện pháp trừng phạt được áp đặt, ông Mohammad Marandi cho biết: “Tổng thống Donald Trump là một người khó đoán. Rất khó để hiểu những gì đang diễn ra. Trên thực tế, Mỹ và Iran đã từng đàm phán nhiều lần. Các quan chức ngoại giao hai nước thường xuyên đối thoại”. Tuy nhiên, ông Marandi cho rằng chính ông Trump là người đã kết thúc mọi thứ khi quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào tháng 5/2018.
Cũng theo nhà phân tích này, sở dĩ Iran chưa thể nhận lời đàm phán với Mỹ là bởi giới chức Iran lo ngại ông Trump sẽ nghĩ rằng, do ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt và gây sức ép từ phía Mỹ nên Iran mới sẵn sàng nhượng bộ. Vì thế bất cứ sự bật đèn xanh nào từ phía Iran cũng dễ khiến Mỹ hiểu lầm. Điều này khiến Iran kiên quyết giữ vững lập trường chỉ chấp nhận đàm phán khi nào Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân và thực hiện các cam kết mà nước này đưa ra.
Theo VOV