John McCain: Người góp phần bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ

.

Thượng nghị sĩ John McCain là một trong những người thúc đẩy mạnh mẽ việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ, đặt nền móng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước ngày nay. Ông là người bạn thân thiết của Việt Nam trong nhiều thập niên qua.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang (phải) tiếp Thượng nghị sĩ John McCain thăm Việt Nam vào tháng 6-2017.Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Trần Đại Quang (phải) tiếp Thượng nghị sĩ John McCain thăm Việt Nam vào tháng 6-2017.Ảnh: TTXVN

Sau hơn 1 năm chống chọi với bệnh ung thư não, Thượng nghị sĩ John McCain từ trần ở tuổi 81 vào chiều 25-8, giờ Mỹ (sáng 26-8, giờ Việt Nam) tại quê nhà Arizona.

Cùng với lời chia buồn, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton bày tỏ lòng biết ơn những đóng góp của ông McCain trong việc giúp bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống của mình.

Người bạn của Việt Nam

Trước khi trở thành Thượng nghị sĩ, ông McCain phục vụ nhiều năm trong quân đội Mỹ và từng tham gia cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Tháng 10-1967, máy bay của Thiếu tá Không quân lực lượng Hải quân Mỹ McCain bị bắn trúng trên bầu trời Hà Nội, ông bị bắt. Đến năm 1973, trong số các tù binh Mỹ được Việt Nam trao trả, có ông McCain.

Trở về từ Việt Nam, ông McCain tham gia chính trường, trở thành một trong những người tích cực vận động bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Theo đó, ông thúc giục hai bên khởi động các vấn đề nhân đạo như: rà phá vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh, hỗ trợ những người bị khuyết tật do hậu quả chiến tranh, tẩy độc tại các khu vực bị nhiễm dioxin...

Năm 1994, Thượng viện Mỹ thông qua giải pháp do ông đồng bảo trợ, kêu gọi chấm dứt cấm vận kinh tế đối với Việt Nam, mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước chỉ 1 năm sau đó.

Cho tới tận những tháng gần đây, theo thông tin từ Hội Việt - Mỹ, ông Nguyễn Tâm Chiến, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Chủ tịch Hội Việt - Mỹ, vẫn liên lạc với Thượng nghị sĩ McCain để nhờ ông can thiệp, hỗ trợ trong vụ kiện bán giá tôm chống lại doanh nghiệp Việt Nam.

Một sự nhờ vả như thế chắc chắn phải bắt nguồn từ lòng tin cậy và cả sự thân thiết trong quan hệ cá nhân, giống như 16 năm trước ông Tâm Chiến từng nhờ ông McCain giúp đỡ doanh nghiệp và nông dân Việt Nam trong vụ kiện chống bán phá giá cá tra.

Các hãng TTXVN, VOV dẫn lời Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc cho rằng, Thượng nghị sĩ McCain có vị trí đặc biệt trong lịch sử quan hệ Việt - Mỹ và là biểu tượng của quá trình hòa giải quan hệ giữa hai nước. “Thượng nghị sĩ John McCain luôn quan tâm vấn đề hợp tác với Việt Nam, quan tâm vấn đề Biển Đông, quan tâm chương trình cá da trơn ảnh hưởng đến những người nông dân nghèo ở Đồng bằng sông Cửu Long như thế nào…”, Đại sứ Hà Kim Ngọc nói.

“Tạo vị trí nhỏ trong câu chuyện của nước Mỹ”

Trong Quốc hội Mỹ, ông McCain nỗ lực đóng góp không mệt mỏi, là “gã khổng lồ” với quan điểm cứng rắn và là ứng cử viên tổng thống tới 2 lần dẫu cả hai lần bị đánh bại (năm 2000 và 2008). Trong những tháng cuối đời, ông McCain chọn lánh xa công luận, sống tại bang Arizona, tiếp đón những cuộc thăm nom của nhiều bạn bè và đồng sự.

Trong cuốn hồi ký được xuất bản vào tháng 5 vừa qua, Thượng nghị sĩ McCain viết, ông “ghét” phải rời bỏ thế giới này nhưng ông không phàn nàn gì. “Tôi đã biết những đam mê lớn nhất, đã chứng kiến những điều kỳ diệu nhất, đã chiến đấu trong một cuộc chiến và đã nỗ lực để kiến tạo hòa bình”, ông McCain viết.

“Tôi đã sống rất tốt và cũng từng thiếu thốn rất nhiều. Tôi từng cô đơn và cũng được tận hưởng sự đồng hành với những người anh hùng. Tôi đã chịu đựng sự thất bại cay đắng nhất và cũng trải qua những niềm vui tột đỉnh. Tôi đã tạo cho mình một vị trí nhỏ trong câu chuyện của nước Mỹ và trong lịch sử của thời đại tôi”, ông viết trong cuốn hồi ký.

Từ tháng 12 năm ngoái, Thượng nghị sĩ McCain không có mặt ở Washington, bỏ lại một khoảng trống trong những hành lang tại Thượng viện và trong những phòng họp báo ông từng góp mặt suốt nhiều thập niên qua. Bây giờ, khoảng trống đó là vĩnh viễn. Ông ra đi khi nhiệm kỳ thượng nghị sĩ lần thứ 6 vẫn còn hơn 4 năm nữa mới kết thúc.

Trong những tháng gần đây, mặc dù sức khỏe rất kém nhưng McCain không hoàn toàn im lặng trước các vấn đề lớn của nước Mỹ. Trong một loạt tweet và tuyên bố, ông chỉ trích các chính sách bất hợp lý của Tổng thống Donald Trump.

Thậm chí năm ngoái, chỉ một tuần sau khi nhận kết quả chẩn đoán bị ung thư não, ông vẫn về Washington D.C, chỉ để bỏ lá phiếu quan trọng cứu luật bảo hiểm y tế được phê chuẩn dưới thời ông Barack Obama có nguy cơ bị chính phủ của Tổng thống Trump “xóa sổ”.

Bệnh tật không làm vơi tâm huyết của ông McCain. Thượng nghị sĩ bang Arizona từng nhiều lần nhấn mạnh quan điểm thẳng thắn rằng, ông nhận thấy Tổng thống Trump và chủ trương “Nước Mỹ là trên hết” chệch hướng so với những giá trị và truyền thống lãnh đạo toàn cầu đã được đúc kết ở Mỹ lâu nay.

Chiếc ghế đại diện bang Arizona tại Thượng viện và Hạ viện Mỹ rồi sẽ có người khác thay thế, nhưng có lẽ người dân cường quốc này vẫn nhớ đến Thượng nghị sĩ McCain - người luôn có những sáng kiến ý nghĩa.

PHÚC LUÂN

;
.
.
.
.
.
.