Mỹ áp đặt trừng phạt các công ty của Nga và Trung Quốc, cáo buộc những đơn vị này vi phạm lệnh cấm vận về thương mại đối với CHDCND Triều Tiên.
Các xe tải của Trung Quốc chờ ở cảng để vận chuyển hàng hóa đến CHDCND Triều Tiên. Ảnh: AFP |
Theo hãng CNBC, Bộ Tài chính Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào 1 cá nhân và 3 công ty. Theo đó, Bộ Tài chính cho rằng, Công ty Dalian Sun Moon Star International Logistics Trading có trụ sở ở Trung Quốc và chi nhánh SINSMS ở Singapore đã làm giả giấy tờ để tạo thuận lợi cho các chuyến hàng bất hợp pháp vận chuyển rượu và thuốc lá đến CHDCND Triều Tiên, thu lợi nhuận hơn 1 tỷ USD/năm.
Công ty Profinet ở Nga cũng bị cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc (LHQ) bằng việc cung cấp dịch vụ hải cảng cho các tàu treo cờ Triều Tiên ít nhất 6 lần tại 3 cảng ở miền đông nước Nga. Trong “danh sách đen” của Mỹ còn có Tổng Giám đốc Công ty Profinet Vasili Aleksandrovich Kolchanov.
Ông Kolchanov bị cho là liên quan đến nhiều hợp đồng với CHDCND Triều Tiên và đã gặp gỡ trực tiếp nhiều đại diện của Bình Nhưỡng tại Nga.
Động thái nói trên của Mỹ diễn ra trong lúc Washington tiếp tục thúc giục CHDCND Triều Tiên phi hạt nhân hóa, từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng 6 vừa qua tại Singapore.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Steven Mnuchin nói rằng, những chiến thuật mà các thực thể tại Trung Quốc, Nga và Singapore đang sử dụng nhằm lực trốn tránh lệnh trừng phạt đều bị cấm theo luật của Mỹ. “Tất cả cơ quan, tổ chức trong ngành công nghiệp vận tải phải có trách nhiệm tuân thủ những biện pháp trừng phạt này, nếu không sẽ đối mặt với hậu quả nghiêm trọng”, tuyên bố nêu rõ.
Cả Trung Quốc lẫn Nga đều phản đối quyết định của Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, Bắc Kinh luôn tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về CHDCND Triều Tiên và không cho phép cá nhân hay công ty Trung Quốc nào vi phạm. Song, cường quốc lớn nhất châu Á này cho rằng, Bắc Kinh có quyền thực hiện các “giao dịch thương mại bình thường” với quốc gia trong khu vực không trong phạm vi bị trừng phạt.
Phía Công ty Dalian Sun Moon Star International Logistics Trading cho hay, vấn đề vẫn chưa rõ ràng và đơn vị này chưa nhận được bất kỳ thông báo nào.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov chỉ trích Mỹ hành động thiếu bằng chứng và dựa trên những cáo buộc thiếu chứng cứ khi áp đặt trừng phạt đối với công ty của Nga.
Ông Ryabkov nói rằng, Moscow sẽ có biện pháp trả đũa do nhà lãnh đạo Điện Kremlin quyết định. Tổng thống Nga Vladimir Putin hiện đề nghị nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nước sớm nhất có thể. Ông Putin đã mời ông Kim Jong-un tham dự Diễn đàn kinh tế phương Đông thường niên dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới ở Vladivostok.
Tháng 7 vừa qua, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley trực tiếp nhắc đến Nga và Trung Quốc khi bà cùng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi các nước duy trì áp lực kinh tế chống lại Bình Nhưỡng để buộc quốc gia phía bắc trên bán đảo Triều Tiên tiến hành phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Đó là một trong những dấu hiệu cho thấy việc đàm phán để thực thi tuyên bố Mỹ - Triều là điều không dễ.
Cũng trong tháng 7, Trung Quốc và Nga đều cho rằng, Triều Tiên có thể được miễn giảm trừng phạt vì đã đối thoại với Mỹ và tạm dừng thử nghiệm tên lửa. Mỹ muốn chấm dứt vận chuyển các chế phẩm dầu mỏ đến Triều Tiên, cáo buộc Bình Nhưỡng vượt qua giới hạn và nhập lậu nhiên liệu. Song, Bắc Kinh và Moscow cần thêm thời gian để xem xét đề nghị của Mỹ.
Triều Tiên cho rằng, việc gây sức ép trừng phạt không tương thích với việc cải thiện quan hệ và cáo buộc Mỹ đang “dội nước lạnh” vào tiến trình phi hạt nhân hóa. Điều này cũng xuất phát từ tuyên bố chung Mỹ - Triều có nội dung mơ hồ, không đề cập đến đòi hỏi của Washington về việc Bình Nhưỡng phải giải giáp vũ khí “một cách toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”.
Hiện tại, Mỹ vẫn duy trì 28.500 binh lính trên bán đảo Triều Tiên và chưa sẵn sàng để chấp thuận một tuyên bố hòa bình.
THIÊN BÌNH