Nguy cơ đàm phán phi hạt nhân hóa đổ vỡ

.

Việc Mỹ có thể nối lại các cuộc tập trận có lựa chọn với Hàn Quốc phủ bóng lên đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Một cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc diễn ra ở Seoul. 				              Ảnh: AP
Một cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc diễn ra ở Seoul. Ảnh: AP

Trong cuộc họp báo ngày 28-8 (giờ Washington), Lầu Năm Góc tuyên bố, Mỹ không còn ngừng vô thời hạn kế hoạch tập trận quân sự có lựa chọn với Hàn Quốc, vốn được đưa ra nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết, giới chức nước ông chưa quyết định về các cuộc tập trận lớn trong năm 2019 nhưng việc diễn tập quân sự trong mùa hè năm nay - một động thái thể hiện thiện chí với CHDCND Triều Tiên - không ngừng vô thời hạn nữa.

“Chúng tôi đã đình chỉ một số cuộc tập trận lớn nhất như một biện pháp xây dựng lòng tin sau hội nghị thượng đỉnh ở Singapore (tức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore hồi tháng 6 vừa qua)”, ông Mattis nói với báo giới.

“Thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa có kế hoạch đình chỉ thêm bất kỳ cuộc tập trận nào nữa”, ông chủ Lầu Năm Góc nói thêm. Cũng theo lý giải của ông Mattis, các cuộc tập trận quy mô nhỏ hơn vẫn được tiếp tục.

Tháng 6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ quyết định ngừng vô thời hạn các cuộc tập trận quân sự, trong đó có cuộc tập trận “Người bảo vệ tự do Ulchi” với sự tham gia của khoảng 17.500 binh sĩ Mỹ, cùng 2 cuộc tập trận “Đại bàng non” và “Thần sấm” theo chương trình trao đổi thủy quân lục chiến với Hàn Quốc. Ông Trump mô tả các cuộc tập trận này là “khiêu khích, không phù hợp và tốn kém”.

Song, quyết định đột ngột của ông bị chính các quan chức Mỹ chỉ trích, cho rằng đây là sự nhượng bộ quá sớm đối với CHDCND Triều Tiên. Bình Nhưỡng luôn phản ứng gay gắt đối với các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn, xem đây là hành động khiêu khích và là hình thức diễn tập xâm lược.

Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa một Tổng thống Mỹ đương nhiệm với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên, phía Bình Nhưỡng cam kết phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên nhưng lại không đưa ra dấu hiệu nào về việc sẵn sàng đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân như chính phủ của ông Trump yêu cầu.

Kể từ đó, tiến trình ngoại giao thúc đẩy phi hạt nhân hóa diễn ra chậm chạp, thậm chí đang rơi vào bế tắc. Các quan chức Washington xác nhận với hãng Reuters rằng, phía Triều Tiên tuần trước đã gửi thư cho Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa có nguy cơ thất bại.

Tổng thống Trump cũng hủy chuyến thăm Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Pompeo và thừa nhận không có bước tiến trong các nỗ lực thúc đẩy phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Còn Bình Nhưỡng chỉ trích Washington có thái độ “nước đôi”, “hai mặt”.

Giờ đây, theo các nhà quan sát, Mỹ không sẵn sàng nhượng bộ Triều Tiên nữa khi Bình Nhưỡng không có các bước đi rõ ràng đối với tiến trình phi hạt nhân hóa. Khả năng nối lại tập trận chung với Hàn Quốc là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang mất kiên nhẫn khi có những ý kiến cho rằng quốc gia Đông Bắc Á đang “câu giờ”.

Trong lúc đó, phía Hàn Quốc cho biết, Mỹ chưa đưa ra đề nghị đàm phán với Seoul để bàn về việc nối lại các cuộc tập trận chung. Theo người phát ngôn Nhà Xanh Kim Eui-kyeom, trong bối cảnh đàm phán Mỹ - Triều bế tắc, cần thiết có một hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dự kiến đến Bình Nhưỡng vào tháng 9 tới để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa và kết thúc Chiến tranh Triều Tiên.

Ông Suh Hoon, Giám đốc Cơ quan Tình báo Hàn Quốc, khẳng định cần đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa và giai đoạn 1 sẽ xóa sổ khoảng 60% đầu đạn của Triều Tiên. Song, trong lúc đàm phán Mỹ - Triều có nguy cơ đổ vỡ, việc thực hiện mục tiêu nói trên sẽ không đơn giản. Theo đó, cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 sẽ là cơ hội lớn để tháo gỡ bế tắc.

Tuy nhiên, nếu Mỹ chọn giải pháp gây sức ép với Triều Tiên bằng cách trừng phạt kinh tế (bao gồm cả việc trừng phạt các công ty hoặc ngân hàng của Trung Quốc giao dịch với Triều Tiên), đàm phán sẽ sụp đổ thật sự.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.