Giả thuyết về nguyên nhân vụ phòng không Syria bắn nhầm máy bay Nga

.

Vụ máy bay quân sự Nga bị bắn rơi bởi chính lực lượng Syria sau cuộc không kích của Israel đã làm gia tăng căng thẳng giữa các quốc gia liên quan và đặt ra nhiều câu hỏi về nguyên nhân cũng như hệ quả của vụ việc này.

Mẫu máy bay Il-20 tương tự chiếc vừa bị bắn rơi của Nga (Ảnh: AFP)
Mẫu máy bay Il-20 tương tự chiếc vừa bị bắn rơi của Nga (Ảnh: AFP)

Theo phóng viên ngoại giao và quốc phòng Jonathan Marcus của BBC, vụ máy bay trinh sát Il-20 của Nga chở 15 người bị bắn rơi trên Địa Trung Hải vào đêm 17/9 bởi lực lượng phòng không Syria là vụ việc nghiêm trọng đầu tiên có liên quan tới việc một máy bay quân sự vô tình bị bắn rơi trong bối cảnh hàng loạt chiến dịch không kích đã diễn ra với mật độ dày đặc trong suốt khoảng thời gian dài tại Syria.

Mỗi bên tham chiến tại Syria đều nhắm đến các mục tiêu khác nhau. Các lượng Nga và đồng minh Syria không kích các địa bàn có phiến quân nổi dậy. Mỹ và các đồng minh tấn công các mục tiêu của tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Trong khi đó, Israel thực hiện các chiến dịch không kích ở Syria với hai mục tiêu, thứ nhất nhằm kiềm chế tầm ảnh hưởng quân sự của Iran tại Syria, thứ hai nhằm ngăn chặn việc sản xuất và vận chuyển các tên lửa tối tân cho một đồng minh khu vực của Iran là Hezbollah ở phía nam Lebanon.

Nga có hệ thống radar uy lực và tên lửa đất đối không hiện đại tại căn cứ của nước này ở Syria. Tuy vậy, Nga từ trước đến nay vẫn thường chọn cách quan sát các chiến dịch do Israel thực hiện tại Syria và không có bất kỳ hành động nào.

Để tránh các vụ tai nạn và đối đầu căng thẳng trên bầu trời Syria, một hệ thống giảm thiểu xung đột đã được triển khai. Theo đó, Mỹ có thể trao đổi thông tin và liên lạc với các chỉ huy Nga. Israel cũng thiết lập một đường dây nóng của riêng nước này để lực lượng kiểm soát không quân Israel có thể trao đổi với những người đồng cấp tại căn cứ không quân Nga ở Syria.

Vẫn có một số sự cố xảy ra khi các thông tin đôi khi không được thông suốt giữa các bên, tuy nhiên cơ chế giảm thiểu xung đột nhìn chung vẫn hoạt động hiệu quả.

Lập luận của các bên

Bản đồ cho thấy đường đi của máy bay Il-20 Nga (màu đỏ) và đường bay của máy bay F-16 Israel (màu tím) (Ảnh: BBC)
Bản đồ cho thấy đường đi của máy bay Il-20 Nga (màu đỏ) và đường bay của máy bay F-16 Israel (màu tím) (Ảnh: BBC)

Theo BBC, vụ việc máy bay thu thập thông tin tình báo của Nga bị bắn rơi chính xác là một trong những kiểu tai nạn mà cơ chế giảm thiểu xung đột tại Syria lẽ ra phải tránh. Vậy tại sao chuyện đó vẫn xảy ra.

Một điều mà cả Nga và Israel đều nhất trí đó là, máy bay Il-20 đã bị một tên lửa đất đối không của Syria, vốn do Nga cung cấp, bắn rơi. Israel khẳng định chính Syria phải chịu trách nhiệm về vụ việc này, cho rằng máy bay bị bắn rơi do “hỏa lực phòng không ồ ạt và thiếu chính xác của Syria”.

Trong khi đó, Nga quy trách nhiệm cho Israel và đưa ra hai cáo buộc chính. Thứ nhất, Nga nói rằng họ được thông báo quá muộn về chiến dịch của Israel ở phía bắc Latakia. Thứ hai, các phi công Israel đã sử dụng Il-20 như “một lá chắn”. Nói cách khác, “các phi công Israel đã đặt Il-20 vào tầm hỏa lực của phòng không Syria”.

Nga cũng công bố một bản đồ cho thấy những thông tin chi tiết về vụ việc. Cụ thể, máy bay Il-20 đã cất cánh từ căn cứ Hmeimim của Nga và bay về phía đông, sau đó tiến lên phía bắc trước khi chuyển xuống phía nam và sau đó dịch chuyển sang phía tây. Khi Il-20 đang tìm cách quay lại căn cứ Hmeimim ở phía đông thì bị bắn rơi trên Địa Trung Hải. Nga cũng công bố đường đi của các máy bay Israel và cho thấy dường như các máy bay này đã trút vũ khí vào các mục tiêu trên mặt đất ở phía bắc Latakia từ vị trí phía tây của máy bay Nga.

Israel tuyên bố các thông tin do Nga cung cấp là sai lệch. Israel bày tỏ sự thương tiếc đối với các nạn nhân thiệt mạng, song khẳng định cơ chế giảm thiểu xung đột giữa các bên vẫn hoạt động tốt. Theo lập luận của Israel, hệ thống phòng không Syria đã phóng tên lửa “bừa bãi” và các máy bay của Israel khi đó vẫn đang ở trong không phận Israel.

Israel ít khi thừa nhận gây ra các cuộc không kích tại Syria. Israel cũng nói rằng nước này đã chia sẻ tất cả các thông tin liên quan với chính phủ Nga để xem xét lại vụ máy bay Il-20.

Lỗi hệ thống phòng không

Bệ phóng tên lửa S-200 (Ảnh: Russia Insider)
Bệ phóng tên lửa S-200 (Ảnh: Russia Insider)

Một trong số các câu hỏi được đặt ra sau vụ máy bay Nga bị bắn rơi là làm thế nào một hệ thống phòng không như S-200 có thể nhầm lẫn giữa một máy bay trinh sát với một máy bay chiến đấu và tấn công nhầm. Theo nhà nghiên cứu Justin Bronk tại viện nghiên cứu an ninh và phòng thủ quốc tế ở London, một phần câu trả lời cho câu hỏi này nằm ở công nghệ quân sự của Syria.

Được thiết kế từ thời Liên Xô vào thập niên 1950, các tổ hợp tên lửa đất đối không S-200 của Syria không phải là hệ thống toàn năng. Nếu không được trang bị các hệ thống radar và kiểm soát hỏa lực tốt hơn, S-200 sẽ gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa máy bay trinh sát và máy bay chiến đấu.

“Nếu các hệ thống phòng không của Syria đang tìm cách khóa các máy bay của Israel trong vùng lân cận có sự xuất hiện của Il-20, thì khi gặp các tín hiệu gây nhiễu, việc Syria vô tình chĩa S-200 về phía máy bay Nga là điều hoàn toàn có thể hiểu được", ông Bronk nhận định.

Các chuyên gia từ lâu đã đặt ra nghi vấn về năng lực thực sự của hệ thống phòng không Syria. Điều này đã được chứng minh qua hàng loạt cuộc tấn công của Israel cũng như 2 vụ phóng tên lửa của Mỹ vào các căn cứ quân sự của Syria nhằm đáp trả cáo buộc chính quyền Damascus sử dụng vũ khí hóa học. Trong các vụ tấn công này, Syria không cho thấy khả năng đánh chặn bằng tên lửa đáng tin cậy.

Chuyên gia Bronk cho rằng Israel có thể không có ý định dàn xếp trận địa để tên lửa Syria bắn rơi máy bay Nga. Thay vào đó, máy bay Israel chỉ định “núp bóng” Il-20 với hy vọng Syria nhìn thấy sẽ không kích hoạt hệ thống phòng không để tấn công máy bay Israel. Tuy nhiên, S-200 hóa ra không có khả năng phân biệt các máy bay.

“Ít có khả năng Israel tìm cách sắp đặt một tình huống để Syria bắn rơi máy bay Nga. S-200 không phải là hệ thống quá phức tạp. S-200 không thể phân biệt được máy bay chiến đấu và máy bay cỡ lớn”, ông Bronk nói.

Vào thời điểm xảy ra vụ việc, khi hệ thống phòng không Syria đang phải đối mặt với tình trạng gây nhiễu nặng nề, kết hợp với mối đe dọa bị Israel tấn công, sự xuất hiện của một máy bay Nga ngay phía trên các máy bay F-16 của Israel gây không ít khó khăn cho S-200 trong việc nhận diện mục tiêu.

Sau sự cố Il-20, Nga có thể sẽ phải thực hiện một số biện pháp khắc phục, bao gồm cải thiện hệ thống nhận diện địch - ta (IFF) trên cả hệ thống phòng không của Nga và Syria. Ngoài ra, Moscow cũng cần đầu tư nhiều hơn vào việc huấn luyện quân đội Syria nhằm đảm bảo năng lực tác chiến tốt hơn. Theo cây bút quốc phòng Dave Majumdar của tạp chí National Interest, rốt cuộc, nguyên nhân chính dẫn tới vụ việc lần này vẫn là năng lực yếu kém cũng như sự thiếu chuyên nghiệp của lực lượng quân đội Syria.

Theo Dân trí

;
.
.
.
.
.
.