Hàn Quốc nỗ lực làm sứ giả ngoại giao

.

Việc đặc phái viên Chung Eui-yong, người đứng đầu Văn phòng An ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc, đến Bình Nhưỡng và gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Jong-un là nỗ lực của Seoul nhằm thúc đẩy hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 3, đồng thời cứu vãn đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên.

Đặc phái viên Chung Eui-yong (trái, hàng trước) và Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon (phải, hàng trước) cùng các thành viên trong phái đoàn đến Bình Nhưỡng ngày 5-9. Ảnh: AP
Đặc phái viên Chung Eui-yong (trái, hàng trước) và Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon (phải, hàng trước) cùng các thành viên trong phái đoàn đến Bình Nhưỡng ngày 5-9. Ảnh: AP

Trọng trách của phái đoàn Hàn Quốc đến Bình Nhưỡng, bao gồm đặc phái viên Chung Eui-yong và 4 quan chức khác, trong đó có Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Suh Hoon và Thứ trưởng Bộ Thống nhất Chun Hae-sung, là chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 3 dự kiến diễn ra trong tháng 9 này. Bên cạnh đó, một nhiệm vụ khác không kém phần quan trọng là làm “trung gian hòa giải” giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên. Vì vậy, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng, phái đoàn do ông Chung Eui-yong dẫn đầu có vai trò then chốt tại “thời điểm rất quan trọng” có thể quyết định triển vọng của hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Theo hãng AP, Hàn Quốc đang cố thuyết phục Mỹ và CHDCND Triều Tiên tiếp tục theo đuổi tiến trình phi hạt nhân hóa và hòa bình. Seoul muốn có một hội nghị thượng đỉnh 3 bên (Mỹ - Hàn - Triều) hoặc 4 bên (có thêm sự tham dự của Trung Quốc) nhằm chính thức tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953. Hai miền Triều Tiên đặt mục tiêu tuyên bố chấm dứt chiến tranh muộn nhất vào cuối năm nay, thậm chí sớm hơn có thể là trước dịp khai mạc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York (Mỹ) vào ngày 18-9. Tuy nhiên, hãng AP dẫn nhận định của nhiều nhà phân tích rằng, khả năng này rất thấp vì sự phức tạp của tiến trình phi hạt nhân hóa.

Các quan chức Mỹ khẳng định, giải trừ hạt nhân có nghĩa là Triều Tiên phải ngừng và dỡ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân, như yêu cầu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert: “Phi hạt nhân hóa phải diễn ra trước khi tiến tới bất kỳ động thái nào khác”. Trong khi đó, Triều Tiên muốn đạt được thỏa thuận kết thúc chiến tranh trước khi giải trừ hạt nhân như cam kết. Không những thế, Bình Nhưỡng còn muốn Mỹ phải rút toàn bộ binh sĩ khỏi bán đảo Triều Tiên. Vì vậy, đến Bình Nhưỡng lần này, phái đoàn Hàn Quốc cũng bàn thảo cùng các quan chức CHDCND Triều Tiên về một tuyên bố kết thúc chiến tranh. Ông Chung Eui-yong nhấn mạnh về sự cần thiết của tuyên bố kết thúc chiến tranh, bởi đây là cơ sở để các bên hướng đến hòa bình ổn định trên bán đảo Triều Tiên thông qua việc hoàn tất tiến trình phi hạt nhân hóa. “Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để đưa ra tuyên bố kết thúc chiến tranh vào cuối năm nay. Chúng tôi vẫn luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với Mỹ”, ông Chung nói. Vị đặc phái viên này cho rằng, đàm phán liên Triều là một phần quan trọng trong những nỗ lực tháo gỡ khủng hoảng hạt nhân. Ông Chung cũng mang theo một lá thư của Tổng thống Moon Jae-in gửi nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Chuyến công cán của ông Chung Eui-yong diễn ra trong lúc có những lo ngại về sự không tương xứng giữa tiến triển quan hệ liên Triều với tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Do đó, thông điệp mà ông Chung mang đến Bình Nhưỡng là việc cải thiện quan hệ liên Triều có thể cứu vãn đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump tối 4-9, Tổng thống Moon Jae-in cũng khẳng định, việc cải thiện quan hệ liên Triều sẽ bổ trợ cho những nỗ lực phi hạt nhân hóa. Đó là lý do để ông đến Bình Nhưỡng trong tháng 9 này, với cuộc gặp gỡ lần thứ ba cùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un, sau 2 lần hội nghị thượng đỉnh vào tháng 4 và tháng 5 vừa qua.

Cũng có những lo ngại về mối quan hệ Mỹ - Hàn sẽ bị ảnh hưởng nếu cách tiếp cận của Tổng thống Moon Jae-in vượt ra ngoài những gì mà Tổng thống Donald Trump mong muốn. Song, ông chủ Nhà Xanh của xứ sở kim chi sẽ biết cách cân bằng mối quan hệ trong tam giác Mỹ - Hàn - Triều, như ông đã thể hiện trong những nỗ lực ngoại giao không ngừng nghỉ thời gian qua nhằm làm “tan băng” trên bán đảo Triều Tiên.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.