Mỹ - Iran tranh cãi tại Liên Hợp Quốc

.

Một năm sau khi đe dọa CHDCND Triều Tiên trong cuộc họp cấp cao thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) ở New York, năm nay Tổng thống Mỹ Donald Trump có “mục tiêu mới” để chỉ trích là Iran.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani tranh cãi gay gắt tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: Reuters/Getty Images
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani tranh cãi gay gắt tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: Reuters/Getty Images

Các chuyên gia quan sát nhận xét, bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump năm nay tại LHQ giống một bản “cập nhật” thêm so với bài phát biểu cách đây 1 năm khi ông dành phần lớn nội dung chỉ trích, đe dọa CHDCND Triều Tiên. Chỉ có điều, trong bài phát biểu lần này, cụm từ “Triều Tiên” được thay bằng “Iran”.

Theo đó, ông Trump lặp lại quan điểm phê phán thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với nhóm cường quốc P5+1 năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA) mặc dù Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận này hồi tháng 5-2018. Ông Trump tiếp tục cáo buộc các nhà lãnh đạo Iran ủng hộ chủ nghĩa khủng bố, tiếp tay cho tham nhũng và gieo rắc bất ổn tại khu vực Trung Đông. Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ áp thêm các lệnh trừng phạt Iran và kêu gọi các quốc gia khác cùng Mỹ cô lập nước Cộng hòa Hồi giáo này trên trường quốc tế.

Không phải ngẫu nhiên giới quan sát so sánh bài phát biểu nói trên với bài phát biểu năm ngoái của ông Trump. Bởi lẽ, ông đang muốn sử dụng những đòn tấn công tại diễn đàn đa phương của LHQ để dọn đường cho một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran.

Đối với CHDCND Triều Tiên, trước lúc các cuộc đàm phán Mỹ - Triều diễn ra trong năm nay, Tổng thống Trump từng đe dọa, xúc phạm và thi thoảng đưa ra những đề nghị đối thoại. Có thể thấy, ông Trump áp dụng “chiêu” thoạt đầu là gây hấn, công kích, sau đó chấp thuận hội đàm thượng đỉnh và rồi bất ngờ đảo chiều trong giọng điệu mềm mại hơn khi nói về đối thủ.

Dường như ông Trump cũng đang muốn áp dụng chiêu thức tương tự như vậy với Iran. Ông từng nhiều lần lặp lại cam kết thương lượng một thỏa thuận hạt nhân với Iran hiệu quả hơn so với JCPOA - thỏa thuận đạt được dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Nhiều giờ sau bài phát biểu của ông chủ Nhà Trắng, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố thẳng thừng rằng, ông Trump đừng kỳ vọng có được những kết quả tương tự trong quá trình đàm phán cùng Tehran. Ông Rouhani nói rõ, mọi thương lượng nếu có sẽ phải được tiến hành trên bối cảnh đa phương giống như JCPOA, đồng thời chỉ trích Mỹ không tuân thủ thỏa thuận đã ký kết. Ông Rouhani nhận định, sự phản đối chủ nghĩa đa phương của ông Trump là dấu hiệu của “việc không hiểu gì về một thế giới phức tạp và gắn kết với nhau”. “Không quốc gia nào chấp nhận bị dùng bạo lực buộc phải ngồi vào bàn đàm phán”, tờ Huffington Post dẫn lời ông Rouhani nói.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Anh đã công khai chỉ trích việc Mỹ rút khỏi JCPOA. Ngày 25-9, cũng tại New York, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất cách tiếp cận với các vấn đề quốc tế hoàn toàn khác biệt so với những gì ông Trump vạch ra, đó là kêu gọi thực thi quan điểm chủ nghĩa đa phương và các tổ chức quốc tế tham gia giải quyết những vấn đề lớn của thế giới. Nhắc lại điều này, Tổng thống Iran Rouhani nói: “Chúng tôi rất vui vì cộng đồng quốc tế không đồng thuận với việc rút khỏi thỏa thuận đơn phương và phi pháp của Mỹ”.

Tuy nhiên, bất kể các nước châu Âu đang ra sức bảo vệ thỏa thuận hạt nhân, nhiều doanh nghiệp lớn của châu lục này bắt đầu chuẩn bị chấm dứt hoạt động kinh doanh của họ tại Iran vì lo sợ các lệnh trừng phạt trong tương lai. Một loạt trừng phạt mới của Mỹ với quốc gia Cộng hòa Hồi giáo sẽ bắt đầu từ đầu tháng 11 tới và điều này tất yếu sẽ gia tăng thêm oán hận giữa Washington và Tehran. Trong tuyên bố được đưa ra bên lề cuộc họp Đại hội đồng LHQ, Liên minh châu Âu (EU) và Iran nhấn mạnh, hai bên quyết tâm bảo vệ sự tự do hoạt động của các công ty và theo đuổi làm ăn hợp pháp với Tehran. Theo đó, các thành viên EU sẽ thiết lập một cơ chế thanh toán cho phép các công ty dầu lửa tiếp tục làm ăn với Iran và tránh được các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Nhưng chưa cần đề cập vấn đề thỏa thuận hạt nhân, chỉ riêng vụ tấn công nhằm vào lễ diễu binh ở thành phố Ahvaz của Iran hồi tuần trước làm 25 người chết cũng đủ khiến Mỹ và Tehran tranh cãi gay gắt khi hai bên gay gắt cáo buộc nhau chống lưng cho khủng bố.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.
.