Vùng đệm tại Idlib có khả thi?

.

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga thống nhất thiết lập vùng đệm phi quân sự hình chữ U tại tỉnh Idlib của Syria nhằm bảo vệ an toàn cho dân thường. Song, mọi việc dường như không đơn giản. 

Nhiều người dân vẫn chọn giải pháp rời khỏi nhà sau khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ công bố thỏa thuận. 		Ảnh: AFP
Nhiều người dân vẫn chọn giải pháp rời khỏi nhà sau khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ công bố thỏa thuận. Ảnh: AFP

Ngày 24-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hội đàm tại thành phố Sochi của Nga, ký kết thỏa thuận đến ngày 15-10 sẽ thiết lập vùng đệm phi quân sự hình chữ U vào sâu mỗi bên khoảng từ 9-12 dặm (15-20km) ở tỉnh Idlib dọc theo đường tiếp nối giữa các khu vực do lực lượng đối lập và quân đội chính phủ Syria đang nắm giữ.

Theo thỏa thuận, đến ngày 10-10, mọi vũ khí hạng nặng do các lực lượng nổi dậy đang sử dụng phải được kéo ra khỏi khu vực phi quân sự. Binh sĩ của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến hành các cuộc tuần tra phối hợp để thực thi việc thiết lập vùng đệm.

Trong bài viết nêu quan điểm cá nhân đăng trên báo Kommersant của Nga, Tổng thống Erdogan cho biết, trong vòng đàm phán tại Sochi về vấn đề Idlib, ông và người đồng cấp Nga quyết định thiết lập vùng phi quân sự giữa các khu vực lãnh thổ hiện do lực lượng đối lập và chính phủ Syria kiểm soát.

Cụ thể, lực lượng đối lập vẫn ở nguyên tại các vùng lãnh thổ mà họ đã chiếm. Tuy nhiên, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cùng xác định nhóm nổi dậy nào không được phép hoạt động trong khu vực.

Ông Erdogan cũng cho hay, nếu Mỹ tiếp tục ủng hộ hai lực lượng là Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurda (YPG) và đảng Thống nhất Dân chủ (PYD) tại Syria thì sẽ phá hỏng thế cân bằng trong khu vực cũng như hòa bình tại Syria. Theo ông Erdogan, phải chấm dứt những hành động “chống lưng” cho YPG và PYD.

Nhà lãnh đạo này một lần nữa bày tỏ kỳ vọng Nga sẽ hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống lại PYD và Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) - lực lượng bị Ankara liệt vào nhóm khủng bố nhưng Moscow không cho là như vậy.

Trong khi đó, 2 nhóm nổi dậy tại Idlib phản đối thỏa thuận thiết lập vùng phi quân sự mà Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được. Một nhóm cho rằng, thỏa thuận đó nhằm “chôn vùi cuộc cách mạng” của họ.

Ngay cả Mặt trận giải phóng quốc gia (NLF) - lực lượng nổi dậy ở Syria có quan điểm ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết, mặc dù họ chấp nhận di chuyển đến vùng phi quân sự nhưng không từ bỏ vũ khí. Đài DW (Đức) dẫn tuyên bố của NLF xác nhận tổ chức này “hoàn toàn hợp tác với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ của chúng tôi” về các kế hoạch thiết lập vùng phi quân sự để tránh khủng hoảng nhân đạo trong trường hợp xảy ra tấn công nhằm vào căn cứ cuối cùng của lực lượng nổi dậy tại Idlib, song cũng sẽ không buông vũ khí để phòng ngừa các dấu hiệu “bội tín”.

Một nhóm nổi dậy nhỏ khác là Huras al-Din cũng phản đối kế hoạch thiết lập vùng đệm. Nhóm này thậm chí hối thúc các lực lượng nổi dậy khác phối hợp với họ để triển khai các đợt tấn công quân sự khác trong khu vực.

Việc một số nhóm nổi dậy phản đối thỏa thuận thiết lập vùng phi quân sự cho thấy thỏa thuận sẽ đối mặt với những rắc rối trong vài tuần tới. Mặc dù những nhóm phản đối không phải là lực lượng Hồi giáo thánh chiến đóng vai trò trụ cột ở Idlib, nhưng sự phản đối của họ có thể làm phức tạp thêm việc thực thi kế hoạch thiết lập vùng đệm.

Lực lượng chiếm ưu thế chính ở khu vực tây bắc Syria, liên minh Hayat Tahrir al-Sham (HTS), liên minh các nhóm Hồi giáo tại Idlib, hiện chưa có phản ứng với các kế hoạch nói trên. Vì vậy, rất khó để biết thỏa thuận có khả thi hay không.

Thời gian từ nay đến trung tuần tháng 10 không còn nhiều nhưng vẫn đủ để nảy sinh những diễn biến phức tạp khác. Đó là chưa kể khả năng Mỹ và các lực lượng nổi dậy ở Syria sẽ dàn dựng màn tấn công bằng vũ khí hóa học và đổ lỗi cho chính phủ Damascus; như vậy thỏa thuận sẽ sụp đổ.

Idlib là vùng lãnh thổ lớn cuối cùng lực lượng nổi dậy kiểm soát tại Syria. Hiện có gần 3 triệu người dân Syria đang sống tại Idlib, khoảng 1/2 trong số họ là người Syria, trong đó có cả các chiến binh thuộc lực lượng nổi dậy và gia đình họ. Đây là những người đã bị dồn về do chiến tranh từ nhiều khu vực khác trên cả nước.

TRẦN ĐẮC LUÂN 

;
.
.
.
.
.
.