Bác sĩ người Congo, ông Denis Mukwege, và nhà hoạt động người Yazidi, cô Nadia Murad, không phải chưa có chút danh tiếng nào, song việc họ được xướng tên ở giải Nobel Hòa bình chắc chắn gây bất ngờ với nhiều người.
Hai chủ nhân giải thưởng Nobel Hòa bình 2018, nhà hoạt động nhân quyền Nadia Murad và bác sĩ Denis Mukwege. Ảnh: Reuters |
Trước thềm giải Nobel Hòa bình 2018, hầu như khắp các trang cá cược trực tuyến, một trong những dự đoán cho giải thưởng cao quý này là hai nhà lãnh đạo của Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên, ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un, căn cứ vào những đột phá tích cực liên quan các cuộc đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, giải Nobel Hòa bình vốn mang yếu tố bất ngờ và lần này cũng không ngoại lệ.
Chủ tịch Ủy ban giải thưởng Berit Reiss-Andersen công bố tại Viện Nobel Na Uy ở thủ đô Oslo rằng, bác sĩ Denis Mukwege và nhà hoạt động nhân quyền Nadia Murad được tặng giải thưởng Nobel Hòa bình vì những nỗ lực nhằm chấm dứt nạn bạo lực tình dục trong chiến tranh và xung đột vũ trang.
Cô Murad, nhà hoạt động nhân quyền người Yazidi, từng bị các phiến quân tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bắt vào năm 2014. Khi trốn thoát, cô đã công khai những nỗi cùng cực từng chịu đựng khi còn ở trong tay nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan. Ở tuổi 25, Murad là người giành giải Nobel Hòa bình trẻ thứ 2 trong lịch sử, sau Malala Yousafazi năm 2014.
Tháng 11-2017, Murad kể lại câu chuyện của mình trong cuốn sách xuất bản The last girl: My story of Captivity, and My Fight Against the Islamic State (tạm dịch: Cô gái cuối cùng: Chuyện của tôi về việc bị bắt giữ và cuộc chiến với IS). Theo bà Reiss-Andersen, với cuốn sách này, Murad đã chứng tỏ “lòng quả cảm hiếm thấy” khi kể lại những khổ nhục của bản thân thay cho các nạn nhân khác. “Cô ấy đã không chấp nhận những định kiến xã hội đòi hỏi phụ nữ phải im lặng và xấu hổ vì những lạm dụng mà họ phải chịu đựng”, bà Reiss-Andersen nói.
Sau này, Murad trở thành người bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng Yazidi, nhóm tôn giáo thiểu số ở Iraq. Chính hoạt động tích cực của Murad đã khiến cộng đồng quốc tế quan tâm hơn tới cảnh ngộ của người Yazidi, đồng thời giúp đả thông được một nghị quyết của Liên Hợp Quốc (LHQ) hồi năm ngoái về việc thành lập nhóm điều tra các tội ác của IS.
Nếu Murad là câu chuyện của một nạn nhân bạo lực tình dục thì bác sĩ phụ khoa Mukwege là biểu tượng của một bác sĩ đã dành cả cuộc đời để giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe cho những nạn nhân như Murad tại Congo, nơi mà theo nghiên cứu do tạp chí Time dẫn lại, cứ mỗi giờ lại có 48 phụ nữ bị cưỡng hiếp.
Năm 1999, ông Mukwege thành lập Bệnh viện Panzi tại thành phố miền đông Bukavu. Sứ mệnh ban đầu của bệnh viện này, theo đài NPR, là giảm tỷ lệ tử vong khi sinh con của thai phụ. “Tuy nhiên, người bệnh đầu tiên của chúng tôi đã không đến đó để sinh con”, ông Mukwege chia sẻ trong bài phát biểu năm 2016, “cô ấy đã bị cưỡng hiếp rất tàn bạo”. Thế rồi, như một sự dẫn dắt của số phận, sau người bệnh đầu tiên đó, kể từ năm 1999 tới nay, ông và nhóm cộng sự đã điều trị cho hàng chục ngàn nạn nhân của bạo lực tình dục và bạo lực giới tại bệnh viện này.
Điểm đặc biệt tại Bệnh viện Panzi là bác sĩ Mukwege đã phát triển mô hình điều trị chú trọng cả chăm sóc thể chất lẫn công lý. 5 “trụ cột” đặt ra bao gồm: điều trị y khoa, liệu pháp tâm lý, tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ pháp lý. Nhờ đó, các nạn nhân bạo lực tình dục có thể đồng thời hồi phục cả về sức khỏe thể chất, cảm xúc lẫn tinh thần. Dù “làm phúc” nhưng ông Mukwege cũng bị đe dọa rất nhiều lần. Theo đài NPR, tháng 9-2012, tại diễn đàn LHQ, ông có bài phát biểu lên án nỗi kinh hoàng của tình trạng cưỡng hiếp tập thể ở Congo. Ông phê phán chính quyền Congo và các quốc gia khác đã không làm hết sức để ngăn chặn “một cuộc chiến không công bằng, đã sử dụng bạo lực chống lại phụ nữ và cưỡng hiếp như một chiến lược chiến tranh”. Một tháng sau, nhiều tay súng đột nhập nhà ông và định ám sát ông, vợ và hai con gái. Thật may, người bảo vệ của ông đã can thiệp kịp thời.
Giải Nobel Hòa bình năm nay gây bất ngờ với cả chính những người trong cuộc. Bà Reiss-Andersen cho biết, đến thời điểm công bố, Ủy ban giải thưởng vẫn chưa thể gặp hay liên lạc được với cô Murad hay ông Mukwege. “Nếu họ đang theo dõi chương trình này, tôi xin chúc mừng họ”, bà nói.
Ông Mukwege và cô Murad là hai trong số 331 hồ sơ đề cử giải Nobel Hòa bình 2018, trong đó có 216 cá nhân. Đó là số lượng đề cử cao thứ hai từ trước đến nay, chỉ sau số lượng đề cử năm 2016. Năm ngoái, giải Nobel Hòa bình được trao cho Chiến dịch quốc tế loại bỏ vũ khí hạt nhân.
TRẦN ĐẮC LUÂN